Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch thiếu tích cực, nhưng sự dẫn dắt của cặp đôi lớn VNM và SAB đã giúp thị trường duy trì đà tăng ổn định trong phiên sáng cuối tuần.
Sang phiên giao dịch chiều, bên cạnh đà tăng khá tốt từ các mã vốn hóa lớn trên, thị trường còn được tiếp sức với sự trở lại của dòng bank, đã giúp VN-Index tiếp tục nới rộng đà tăng, thiết lập đỉnh cao mới trong khoảng 10 năm qua.
Đóng cửa, VN-Index tăng 4,72 điểm (+0,61%) lên 776,47 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 194,38 triệu đơn vị, giá trị 3.924,77 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 20,12 triệu đơn vị, giá trị 486,63 tỷ đồng, riêng NVL thỏa thuận 2,04 triệu đơn vị, giá trị 139,15 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 30/6 |
Thông tin ông Dương Công Minh sẽ là tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, đã không giúp cho cổ phiếu STB lấy lại sắc xanh. Kết phiên STB giảm 2,13% xuống mức 13.800 đồng/CP với khối lượng khớp dẫn đầu sàn HOSE, đạt 8,3 triệu đơn vị.
Trái lại, hầu hết các mã ngân hàng còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh như VCB tăng gần 0,8%, BID và CTG cùng tăng 0,5%, EIB tăng 2,38%.
Bên cạnh đó, các mã có vốn hóa lớn vẫn là những điểm tựa chính giúp thị trường bật cao. Trong đó, top 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường đều đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng khá tốt.
Điển hình, nhờ giao dịch sôi động với khối lượng khớp 1,34 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng hơn nửa triệu đơn vị, VNM tiếp tục tiến bước với mức tăng hơn 1,8%. Tiếp đó, cặp đôi VCB và VIC cũng đã lấy lại đà tăng, SAB tăng 0,9%, GAS tăng 1,75%.
Trong nhóm VN30, HPG đang là cổ phiếu nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư ngoại khi được mua ròng tới hơn 3,8 triệu đơn vị. Chính vì nhận được sự hậu thuẫn này đã giúp HPG tiếp tục tăng cao trong phiên chiều, leo lên mức giá cao nhất ngày 32.000 đồng/CP với mức tăng 2,73% và khối lượng khớp lệnh đạt 7,33 triệu đơn vị, chỉ đứng sau thanh khoản của STB.
Trong khi các mã đầu cơ bất động sản như ITA, FLC, KBC, SCR đang giao dịch thiếu tích cực thì các mã khác như HBC, TNI, LDG lại đua nhau khoe sắc tím.
Cũng có “hoàn cảnh” tương tự STB, trong ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên, cặp đôi HAG và HNG đã chịu áp lực bán gia tăng trong phiên chiều và cùng quay đầu giảm điểm, cụ thể HAG giảm 1,25%, HNG giảm 1,38%.
Trong khi đó, QCG sau thông tin đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hôm qua về việc chưa bán dự án Phước Kiển, cổ phiếu này đã bị bán tháo mạnh trong phiên hôm nay.
Chốt phiên, QCG đứng ở mức sàn 27.000 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn tới hơn 1 triệu đơn vị.
Trước đó, thông tin về việc QCG bán dự án Phước Kiển cho Sunny Island, trong đó đối tác này đã chuyển cho QCG 50 triệu USD để trả nợ cho BIDV đã giúp cổ phiếu QCG có chuỗi tăng thần tốc, từ mức 3.500 đồng hồi đầu năm, tăng lên 31.000 đồng trong sáng hôm qua.
Trên sàn HNX, giao dịch có phân kém tích cực hơn. Áp lực bán gia tăng khiến HNX-Index có thời điểm lùi về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ khá tốt cùng sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp chỉ số này bật mạnh, lên mức cao nhất trong phiên chiều.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,35%) lên mức 99,14 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 41,28 triệu đơn vị, giá trị 527,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,11 triệu đơn vị, giá trị 56,59 tỷ đồng.
HNX30-Index tăng 1,36 điểm (+0,75%) lên 182,83 điểm với 12 mã tăng, 9 mã giảm và 7 mã đứng giá. Trong đó, các mã hỗ trợ đà tăng khá tốt cho thị trường như CEO, HUT, LAS, NTP, VCS, SHB…
SHB vẫn là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn HNX với 6,84 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đóng cửa, SHB tăng 1,33% lên mức 7.600 đồng/CP.
Đứng ở vị trí tiếp theo, cặp đôi cổ phiếu nhóm bất động sản là CEO và VCG với khối lượng khớp lần lượt 2,38 triệu đơn vị và 2,07 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, dù cũng có thời điểm bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp các mã mua nhau tăng trần, kéo chỉ số sàn này lên mức cao nhất trong ngày.
Đóng cửa, sàn UPCoM có 75 mã tăng/40 mã giảm, trong đó có 32 mã tăng trần. UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,43%) lên 57,57 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,13 triệu đơn vị, giá trị 89,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,26 triệu đơn vị, giá trị 23,58 tỷ đồng.
SBS vẫn duy trì mức tăng 9,09% và tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với 1,46 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Tiếp đó, PFL có khối lượng giao dịch 991.000 đơn vị và DVN chuyển nhượng 704.200 đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu lớn, trong khi HVN đã lấy lại mốc tham chiếu thì các mã lớn khác như VGT, FOX, MCH, VOC, DVN vẫn tăng khá tốt.