Trong phiên giao dịch sáng, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đà tăng lan rộng ra nhóm chứng khoán và một số mã lớn khác, giúp VN-Index duy trì đà tăng. Tuy nhiên, đúng như nhận định của một số chuyên gia chứng khoán, áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng khi chỉ số này tiến tới ngưỡng cản 780 điểm, khiến VN-Index chịu rung lắc.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, không còn lực cản nào đủ mạnh, VN-Index bứt tăng ngay từ đầu phiên và nới rộng đà tăng dần theo thời gian, vượt qua ngưỡng cản 780 điểm một cách dễ dàng và muốn hướng tới mức đỉnh cũ 783,73 điểm thiết lập đầu phiên sáng 7/7.
Dù vậy, với lực kéo từ từ VNM, BHN, PLX, DMP, MWG, nhómcổ phiếu thép, VN-Index đã không thể chinh phục lại được mức đỉnh này, mà đóng cửa sát dưới.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 7, VN-Index tăng 6,46 điểm (+0,83%), lên 783,55 điểm với 134 mã tăng và 136 mã giảm. Như vậy, chốt tháng 7, VN-Index tăng nhẹ gần 1%.
Thanh khoản phiên hôm nay tăng khá mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 267,11 triệu đơn vị, giá trị 4.702,5 tỷ đồng, tăng 33,56% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,2 triệu đơn vị, giá trị 359,82 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 31/7 |
Việc khối lượng tăng mạnh hơn giá trị do nhóm cổ phiếu nhỏ hôm nay có giao dịch sôi động hơn hẳn nhóm cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, do lực bán ra rất mạnh, đa số các mã nhỏ trên sàn HOSE đều giảm, trong đó có nhiều mã còn dư bán sàn khá lớn.
Cụ thể, FLC đóng cửa giảm 3,51%, xuống 7.140 đồng với 35,87 triệu đơn vị được khớp, cao nhất thị trường. OGC đứng thứ 2 với 20,36 triệu đơn vị và cũng giảm 3,51%, xuống 2.200 đồng. HQC, ITA, KBC, KSH, HHS… cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Trong phiên chiều nay, trong khi TNI thoát mức sàn, thì lại có thêm DLG, QCG gia nhập cùng VHG, FCM. Trong đó, DLG được khớp 17,3 triệu đơn vị, còn dư bán sàn hơn 200.000 đơn vị, VHG được khớp 5,3 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 1,39 triệu đơn vị, QCG cũng bị bán mạnh, trong khi lực cầu yếu nên xuống sàn 22.750 đồng với hơn 0,6 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.
Trong nhóm cổ phiếu thép, HSG vẫn đứng ở mức sàn 28.000 đồng với 16,27 triệu đơn vị được khớp, nhưng vẫn còn dư bán sàn hơn 1,5 triệu đơn vị. Gần như lực cầu bắt đáy tung ra từng nào đều có lượng cung giá thấp đáp ứng từng đó, khiến HSG không thể thoát khỏi mức giá sàn hôm nay.
Trong khi POM kịp thoái mức giá sàn 15.850 đồng khi đóng cửa ở mức 15.950 đồng (-6,18%). Dù không tiêu cực như HSG và POM, nhưng HPG, TLH, NKG, thậm chí DTA cũng quay đầu đóng cửa dưới tham chiếu, trong khi SMC kịp về mức tham chiếu.
Dù có nhiều mã nhỏ bị bán mạnh, nhưng cũng có không ít mã nổi sóng như HAR, HAI, IJC, LCM, BWE, CMX, ANV, SGT, VID, ASP. Trong đó, HAR, HAI có dư mua trần khá lớn, gần 1,37 triệu đơn vị và hơn 1,87 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, cổ phiếu ngân hàng nới rộng đà tăng với BID tăng 5,72%, lên 22.200 đồng, khớp hơn 6,73 triệu đơn vị, MBB tăng 1,28%, STB tăng 2,34%, CTG tăng 4,62%, VCB tăng 0,67%, chỉ có EIB đảo chiều giảm 4,53%.
Các cổ phiếu lớn khác cũng tăng khá mạnh như GAS tăng 1,79%, SAB đảo chiều tăng 0,59%, VIC tăng 0,67%, MSN đảo chiều tăng 3,13%, ROS tăng 0,55%, BVH tăng 2,6%.
Trong khi đó, bất chấp vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2017 với lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, NVL vẫn đảo chiều ngoạn mục để đóng cửa với mức tăng 1,35%. Sắc xanh cũng xuất hiện tại nhóm chứng khoán (SSI, HCM, CTS), PVD, VJC, CII, REE…
Trong khi đó, HNX-Index lại khá vất vả trong phiên chiều nay và tưởng chừng đảo chiều giảm điểm, nhưng vào cuối phiên, nhờ tín hiệu tích cực trên HOSE, HNX-Index đã bật mạnh trở lại.
Chốt phiên cuối tháng 7, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,49%), lên 101,05 điểm. Trong tháng 7, HNX-Index tăng hơn 1,9%. Tổng khối lượng khớp đạt 71,73 triệu đơn vị, giá trị 629,9 tỷ đồng, tương đương với phiên cuối tuần trước.
Việc HNX-Index bật mạnh trở lại cuối phiên ngoài đà tăng trần từ nhóm cổ phiếu nhỏ như phiên sáng, sự vững đà tăng của ACB, SHB, còn có sự trở lại của PVS, VC3, VND, nới rộng đà tăng của VCS.
Trong đó, SHB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 19,16 triệu đơn vị, tiếp đến là KLF với hơn 5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, KLF giảm 3,13%, xuống 3.100 đồng, trong khi SHB tăng 3,75%, lên 8.300 đồng. Các mã nhỏ duy trì sắc tím gồm BII, SPI, ACM, APS, VIG, KSQ…
Trong khi đó, UPCoM-Index lại dao động chủ yếu dao động dưới tham chiếu và chỉ may mắn mới có được sắc xanh nhạt vào đúng phút cuối.
Cụ thể, chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 56,43 điểm với 6,65 triệu đơn vị, giá trị 103,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,9 triệu đơn vị, giá trị 29,6 tỷ đồng.
DVN đã vươn lên trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 1,12 triệu đơn vị, nhưng vẫn đóng cửa giảm 6,07%, xuống 17.000 đồng. DRI cũng khớp hơn 1 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 6,56%, lên 13.000 đồng.
Trong phiên hôm nay, đặc biệt chú ý là SDI khi mã lớn này bất ngờ đóng cửa ở mức trần 44.700 đồng, trong khi các mã lớn khác như HVN, MSR, ACV giảm giá.