Với diễn biến trên cùng chu kỳ lặp lại khá tích cực – phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ trong 10 năm gần đây chủ yếu là tăng điểm, thậm chí có VN-Index còn có những năm tăng rất mạnh, giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào phiên giao dịch chiều.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sau 30 phút đầu ngập ngừng và lùi sát về mốc tham chiếu, thị trường đã nhanh chóng bật ngược trở lại. Không làm thất vọng giới đầu tư, VN-Index tiếp tục nới rộng đà tăng đến hết phiên giao dịch và kết phiên tại mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chưa thể chinh phục được ngưỡng kháng cự 720 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,81 điểm (+0,25%) lên 719,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 229,58 triệu đơn vị, giá trị 4.702,82 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 60,28 triệu đơn vị, giá trị 855,49 tỷ đồng. Ngoài thỏa thuận lớn từ FIT, phiên chiều còn có sự góp công của 29,42 triệu cổ phiếu QCG, giá trị hơn 250 tỷ đồng và 2 triệu trái phiên NVL11605, giá trị 209,64 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 3/5
Diễn biến VN-Index phiên 3/5

Nhóm VN30 có 16 mã tăng, 12 mã giảm và 2 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 4,5 điểm (+0,66%) lên 684,99 điểm. Trong đó, tâm điểm đáng chú ý là REE.

Mới đây, REE đã công bố kết quả kinh doanh tăng đột biến trong quý I/2017 với doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm 2016, đạt 1.088 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cán mốc 331 tỷ đồng, gấp 2,35 lần so với mức 99 tỷ đồng trong quý I/2016. Đây là quý có mức lãi cao nhất kể từ ngày đầu thành lập của REE.

Chính thông tin tích cực này đã tiếp sức cho REE phi nước đại trong phiên hôm nay. Lần đầu tiên trong gần 2 năm qua (kể từ cuối tháng 7/2015), REE đã khoác trên mình “chiếc áo tím” với mức tăng 6,8%, kết phiên tại mức giá 29.750 đồng/CP và khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt 4,63 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau “màn biểu diễn” của STB là đến lượt MBB. Trong phiên hôm nay, MBB được kéo lên sát trần, với mức tăng 6,3% lên mức giá 16.800 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt đạt 4,16 triệu đơn vị. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp MBB có mức tăng trưởng mạnh cả về giá và thanh khoản. Ngoài MBB, các mã khác trong nhóm bank như VCB, CTG, STB cũng hỗ trợ tốt cho nhịp tăng của thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu mía đường cũng có một phiên đua sắc. Cụ thể, LSS và BHS cùng tăng 6,7-6,8% lên mức giá trần, SBT tăng 3,3%; trên sàn HNX có KTS tăng 5,1%, SLS tăng 0,6%.

Tuy nhiên, diễn biến ở nhóm cổ phiếu dầu khí có phần tiêu cực hơn sau thông tin giá dầu lao dốc. Bên cạnh GAS vẫn giữ mức giảm nhẹ 0,54% thì PVD lại lao thẳng xuống mức giá sàn trước áp lực bán lớn của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Kết phiên, PVD giảm 6,78% xuống mức thấp kỷ lục 16.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 6,15 triệu đơn vị.

Ngoài các mã thị trường như FIT, QCG, TSC tăng trần ngay từ phiên sáng, trong phiên chiều còn có thêm sự góp mặt của HHS.

Cũng giống FIT, dù kết quả lợi nhuận trong quý I/2017 giảm khá mạnh nhưng HHS cũng đã có cú bứt phá mạnh sau thông tin Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ mua xong 10 triệu cổ phiếu HHS. Đóng cửa, HHS tăng 6,8% lên mức giá trần 4.380 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 8,8 triệu đơn vị và dư mua trần 0,36 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, cú đảo chiều khá ngoạn mục về cuối phiên đã giúp chỉ số sàn đảo chiều và kết phiên trong sắc xanh hy vọng. Cụ thể, với mức tăng 0,29 điểm (+0,32%), HNX-Index đóng cửa tại mức 89,82 điểm. Thanh khoản cũng khá tích cực với khối lượng giao dịch đạt 47,93 triệu đơn vị, giá trị 501,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận vẫn khá thấp với tổng giá trị chỉ hơn 9,5 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB vẫn là tâm điểm giao dịch của sàn với vị trí dẫn đầu thanh khoản. Trong khi SHB duy trì mốc tham chiếu 7.500 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 18 triệu đơn vị thì ACB tiếp tục nới rộng đà tăng với biên độ tăng 2,59% lên mức 23.800 đồng/CP với khối lượng khớp 2,62 triệu đơn vị.

Bên cạnh ACB, nhiều mã lớn khác cũng tăng khá tốt như HUT, CEO, MAS… cùng các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán như BVS, VND, MBS…

Tuy nhiên, cũng giống sàn HOSE, các cổ phiếu họ dầu khí trên sàn HNX cũng giao dịch ảm đạm, cụ thể, PVS giảm hơn 2,9%, PVC giảm 5,48%, PGS giảm 2,2%, PVB giảm 1,9%...

Trái với 2 sàn chính, sau những rung lắc trong nửa đầu phiên chiều, sàn UPCoM đã chính thức đảo chiều giảm điểm. Dù nỗ lực hồi phục khá tích cực về cuối phiên nhưng đã không đủ sức để giúp thị trường dành lại sắc xanh.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,04%) xuống 57,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,89 triệu đơn vị, giá trị 118,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 7,15 triệu đơn vị, giá trị 106,25 tỷ đồng.

Trong đó, HVN thu hẹp đà tăng, thậm chí có lúc rơi xuống mốc tham chiếu. Kết phiên, HVN chỉ còn tăng 0,39%, đứng ở mức 25.900 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 331.200 đơn vị.

Trong khi đó, các mã lớn như GEX quay về mốc tham chiếu, TVN giảm 1,25%, ACV giảm hơn 1,2%..., đã tác động khá mạnh tới thị trường.

SDI là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất trên sàn với khối lượng giao dịch đạt gần 1 triệu đơn vị, tuy nhiên, đóng cửa, SDI giảm 14,9% xuống mức giá sàn 48.500 đồng/CP.