Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Phiên 6/11: HBC hồi phục mạnh mẽ
 
Ấn tượng nhất trong phiên ngày hôm này là việc cổ phiếu HBC lại được kéo mạnh lên mức giá trần, dư mua tại mức giá 54.900 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 6/11
Diễn biến VN-Index phiên ngày 6/11

Sau ít phút khó khăn đầu phiên chiều, VN-Index đã bứt tốc trong nửa cuối phiên để đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là VN-Index vẫn chưa thể chinh phục được ngưỡng 850 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng, sau khi vượt qua ngưỡng 848 điểm, áp lực chốt lời ở nhóm VN30 đã khiến VN-Index gặp rung lắc mạnh. Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, cũng nhờ nhóm VN30, VN-Index lại được kéo tăng mạnh trở lại.

Điểm tích cực của phiên tăng điểm sáng nay là sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, dù thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều (chủ yếu giá trị giao dịch tăng mạnh do có giao dịch thỏa thuận đột biến).

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index lại gặp chút rung lắc đầu phiên khi lực bán diễn ra mạnh tại một số mã lớn như ROS, NVL, PLX. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, VN-Index đã tăng vọt trở lại và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các mã lớn khác như VNM, VCB, BID, CTG, GAS… cũng như hàng trăm mã lớn nhỏ khác.

Chốt phiên chiều đầu tuần mới, VN-Index tăng 5,36 điểm (+0,64%), lên 849,09 điểm với 197 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 172,2 triệu đơn vị, giá trị 6.341,43 tỷ đồng, giảm 15,3% về khối lượng, nhưng tăng 45% về giá trị. Việc giá trị giao dịch tăng mạnh chủ yếu do đóng góp từ giao dịch thỏa thuận của các mã có thị giá lớn với 43,89 triệu đơn vị, giá trị 3.328,67 tỷ đồng. Trong đó, MSN được giao dịch 4 triệu cổ phiếu, giá trị 244 tỷ đồng, TRA được khối ngoại sang tay 16,63 triệu đơn vị, giá trị 2.353 tỷ đồng, VPB có hơn 2,56 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên thỏa thuận, giá trị 100 tỷ đồng.

Từ cuối tháng 10 tới cuối tuần qua, với thông tin Vietnam Azalea Fund Limited đăng ký bán 10,36 triệu cổ phiếu TRA, tương ứng 25% vốn, cổ phiếu này đã có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, từ 117.200 đồng, lên 132.500 đồng (+13,05%). Tuy nhiên, ngay trong đầu phiên sáng nay, dường như Vietnam Azalea Fund Limited đã sang tay lượng cổ phiếu này cho một đối tác ngoại khác với tổng giá trị 1.466 tỷ đồng.

Trong phiên chiều, tiếp tục có thêm hơn 6 triệu cổ phiếu TRA được sang tay nội khối nhà đầu tư nước ngoài trong phiên thỏa thuận và cũng ở mức giá 141.500 đồng (mức giá trần 141.700 đồng).

Tuy nhiên, trong phiên khớp lệnh, TRA lại không được đón nhận như phiên thỏa thuận khi chỉ được khớp 28.590 đơn vị và đóng cửa giảm sàn xuống 123.300 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn ngoại trừ ROS bị chốt lời, quay đầu giảm mạnh 6,45%, xuống 200.300 đồng, mức thấp nhất ngày; PLX giảm 4,2%, xuống 54.800 đồng…, thì đa số đều tăng giá.

Cụ thể, VNM tăng 3,5%, lên 158.000 đồng, GAS tăng 2,05%, lên 75.000 đồng, VCB tăng 1,43%, lên 42.500 đồng, BID tăng 2%, lên 22.850 đồng, CTG tăng 3,47%, lên 19.400 đồng…

Hai cổ phiếu đầu ngành thép trên sàn HOSE là HPG và HSG cũng tăng tốt với lần lượt 1,93%, lên 36.900 đồng và 3,56%, lên 23.300 đồng. Trong đó, HSG có thanh khoản tốt hơn với 3,85 triệu đơn vị được khớp, HPG được khớp 2,91 triệu đơn vị.

PVD chỉ còn tăng nhẹ 0,6%, lên 16.100 đồng với hơn 7,7 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 sau FLC (8,67 triệu đơn vị). Mã có thanh khoản thứ 3 là SBT với 7,66 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa giảm 4,77%, xuống 19.950 đồng.

FLC ngoài thanh khoản cao, mức giá cũng khá tích cực khi đóng cửa tăng 4,59%, lên 6.610 đồng. Thông tin mới nhất liên quan đến FLC là doanh nghiệp này vừa có thay đổi vị trí Tổng giám đốc. Theo đó, ông Lê Thành Vinh sẽ thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc và được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT thường trực. Thay thế ông Vinh là ông Trần Quang Huy, Phó tổng giám đốc FLC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT HAI.

Về HAI, sắc tím vẫn được duy trì trong suốt phiên chiều nay do lực cung hạn chế hơn nhiều so với sức cầu. Chốt phiên, HAI lên mức giá 7.990 đồng với 3,56 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. Ngoài HAI, QCG cũng giữ được sắc tím, nhưng thanh khoản èo uột hơn do lực cung không có.

Các mã có sắc tím khác còn phải kể đến HVG, ELC, CCL, HID, PLP, HII, CMX…, trong khi ROS mức giá trần khi đóng cửa ở mức 2.300 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

Tân binh VRE có giao dịch giống phiên sáng khi chỉ có 400 cổ phiếu được khớp, nâng tổng khớp trong cả ngày lên 800 cổ phiếu, trong khi còn dư mua mức giá trần (40.550 đồng) hơn 11 triệu đơn vị, chưa kể lượng dư mua ATC.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong phiên chiều là HBC khi kịch bản như phiên giao dịch cuối tuần trước được lặp lại. Sau khi tăng nhẹ đều trong phiên sáng, HBC đã được kéo mạnh lên mức giá trần 54.900 đồng trong phiên chiều với hơn 3 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của HBC sau phiên bị bán tháo mạnh hôm thứ Năm do có tin đồn liên quan đến kết quả kinh doanh và liên quan với Khaisilk.

Trên sàn HNX, sau khi lình xình trong phiên sáng, HNX-Index đã bật tăng ngay khi bước vào phiên chiều và cũng nới rộng dần trong thời gian sau đó và cũng đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Cụ thể, chốt phiên đầu tuần mới, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,7%), lên 105,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,49 triệu đơn vị, giá trị 412,28 tỷ đồng, giảm 28,2% về khối lượng và 10,4% về giá trị. Khối lượng giao dịch thỏa thuận có thêm 1,3 triệu đơn vị, giá trị 14,4 tỷ đồng.

Đà tăng mạnh của HNX-Index trong phiên chiều chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, ACB tăng 1,32%, lên 30.800 đồng với gần 0,8 triệu đơn vị được khớp. VCS tăng 4,23%, lên 224.000 đồng, VGC tăng 3,18%, lên 22.700 đồng, VCG tăng 0,93%, PVS tăng 2,6%, PVI tăng 0,31%, còn lại đứng giá tham chiếu.Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 6,9 triệu đơn vị, tiếp đến là PVS với 4,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường chủ yếu là tăng nhẹ hoặc đứng giá tham chiếu với thanh khoản không mạnh.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index chủ yếu lình xình ở mức điểm của phiên sáng do các mã lớn khá ổn định. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,97%), lên 53,3 điểm với 6 triệu đơn vị được khớp, giá trị 137,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,96 triệu đơn vị, giá trị 380 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch 15,38 triệu cổ phiếu GSM, giá trị 235,38 tỷ đồng.

Trên sàn này, SDI quay đầu giảm 1,44%, xuống 103.000 đồng, ACV giảm 1,4%, xuống 69.800 đồng, LPB cũng giảm nhẹ 1 bước giá. Trong khi các mã khác như HVN, GEX, DVN, TIS… lại tăng khá tốt.

Trong các mã thị trường, VKD giữ sắc tím 42.700 đồng, trong khi ART hạ độ cao khi chỉ còn tăng 3,29%, lên 15.700 đồng.

Có thanh khoản tốt nhất là LPB với 1,72 triệu đơn vị được khớp, tiếp đến là QNS với 433.100 đơn vị, ART với 306.000 đơn vị, DVN với 300.400 đơn vị.

Đón cơ hội từ những hàng khủng sắp IPO
Từ nay tới cuối năm, giới đầu tư đang nóng lòng chờ đợi các phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thoái vốn nhà nước từ các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư