Không chỉ giữ được chuỗi tăng giá kỷ lục, thanh khoản ROS cũng được duy trì ở mức rất tốt với tổng khớp trung bình hơn 2,2 triệu đơn vị mỗi phiên.

Với mức thanh khoản và vốn hóa hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã dự đoán ROS sẽ được đưa vào danh mục của các quỹ ETFs trong đợt tái cơ cấu lần này và điều này đã trở thành sự thật.

Chỉ chờ có thông tin tốt như thế, ROS đã tăng tốc ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay và càng bứt tốc hơn khi bước vào phiên giao dịch chiều. Dù lực cung cũng khá mạnh, nhưng lực cầu quá mạnh đã hấp thụ hết lượng dư mua, đẩy ROS lên mức trần 163.300 đồng khi chốt phiên hôm nay với gần 4,13 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, đứng thứ 8 trong Top các mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE trong phiên hôm nay.

Trong khi đó, “người anh em” của ROS là FLC đã chớm tím từ cuối phiên sáng và duy trì đà tăng trần trong suốt phiên chiều khi lực cung không còn quá lớn, trong khi lực cầu dồn dập được đưa vào.

Chốt phiên, FLC được khớp 17,7 triệu đơn vị, đứng ở mức giá trần 7.380 đồng và còn dư mua giá trần 3,57 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu cũng thuộc họ FLC là HAI cũng đua trần, lên mức giá 4.08 đồng trong phiên chiều nay với tổng khớp hơn 2,3 triệu đơn vị, nhưng không còn dư mua trần.

Không chịu thua kém “bộ ba” trên, FIT cũng đóng cửa ở mức giá trần 5.100 đồng với 9,6 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị.

Một số mã thị trường khác cũng tăng giá và thanh khoản tốt như HAG tăng nhẹ lên 8.070 đồng với hơn 6 triệu đơn vị được khớp, “người em” HNG tăng 2,65%, lên 9.290 đồng với 1,4 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, KBC tăng 2,77%, lên 14.850 đồng với 2,95 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự ROS, dù không giữ được mức trần, nhưng DXG cũng tăng mạnh lên 6,36% với 6,94 triệu đơn vị được khớp sau khi được FTSE ETF thêm vào danh mục. Trong khi HBC đã lùi về tham chiếu do đã có chuỗi tăng mạnh trước đó.

Trong khi đó, với việc bị FTSE ETF loại ra khỏi danh mục, HQC đóng cửa giảm 2,33%, xuống 2.510 đồng với 13,3 triệu đơn vị được khớp. ITA cũng giảm 0,46%, xuống 4.330 đồng với 7 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm bluechip, BID và HPG có mức tăng tốt với thanh khoản cao, trong đó BID tăng 1,22%, lên 16.600 đồng với 2,66 triệu đơn vị được khớp, HPG tăng 0,49%, lên 41.200 đồng với 2,56 triệu đơn vị được khớp, VJC tăng 4%, lên 137.400 đồng với 1,16 triệu đơn vị được khớp.

VNM cũng đảo chiều tăng trở lại nhờ lực cầu từ khối ngoại. Cụ thể, chốt phiên, VNM tăng 0,77%, lên 139.900 đồng. KDC cũng đảo chiều thanh công, NVL cũng trở lại mức tham chiếu, MSN giữ mức giá tham chiếu...

Ngoài ROS, FLC, DXG, nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng mạnh trong phiên hôm nay như TDH, VPH tăng trần, NTL, DIG, LDG, HAR, KAC, KDH, QCG tăng giá, trong khi số khác như SCR, HDG, VRC, PDR đóng cửa trong sắc đỏ.

Với sự bùng nổ của ROS, cùng sự hỗ trợ của VNM, VIC, BID, CTG…, VN-Index vẫn duy trì được đà tăng và ở trên ngưỡng 715 điểm trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm bớt bởi đà giảm tại GAS, VCB, SAB, BHN, PVD.  

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng 3,67 điểm (+0,52%), lên 716,29 điểm với 139 mã tăng, 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 172,2 triệu đơn vị, giá trị 3.579,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,77 triệu đơn vị, giá trị 502,6 tỷ đồng, chủ yếu là từ trái chiếu ANC.

Diễn biến VN-Index phiên 6/3
Diễn biến VN-Index phiên 6/3

Trong khi đó, trên HNX, do ACB trở lại mức giá thấp nhất ngày 22.600 đồng, giảm 0,88%, PVS cũng lùi xuống dưới tham giá 1 bước giá để đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 17.800 đồng, cùng sắc đỏ tại PVC, PVB, VCS, LAS…, khiến HNX-Index không thể giữ được đà tăng khi chốt phiên hôm nay.

Cụ thể, đóng cửa phiên đầu tuần, HNX-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%), xuống 86,55 điểm với 91 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 44,88 triệu đơn vị, giá trị 433,5 tỷ đồng.

KLF không thể có được sự bùng nổ như 3 anh em của mình trên HOSE khi đóng cửa ở mức giá của phiên sáng 3.000 đồng, tăng 3,45% với 5,47 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, VCG cũng có mức tăng tốt 3,29%, lên 15.700 đồng với gần 2 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi các mã nhỏ như KVC, HKB, SVN… vẫn giữ ở mức sàn do lực bán gia tăng, trong khi lực cầu không lớn.

Trên UPCoM, diễn biến khá giống HOSE khi đà tăng được nới rộng hơn so với phiên sáng, nhưng cũng hạ nhiệt vào cuối phiên khi HVN giảm sâu, MSR, MCH, VIB, VSN cũng đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong khi đó, đà tăng tốt lại được ở nhiều mã khác như ACV, GEX, SDI, VOC, VEF, FOX, VGT, VGG, TVN…

Trong đó, thanh khoản tốt nhất là HVN với 2,23 triệu đơn vị được sang tên, tiếp theo là TVB với 1,28 triệu đơn vị. Tuy nhiên, về diễn biến giá lại trái ngược, trong khi HVN giảm 5%, xuống 32.400 đồng, thì TVB tăng trần lên 17.700 đồng.