Trong phiên giao dịch sáng, cả 2 chỉ số chính chủ yếu dao động trong sắc đỏ, nhưng với sự trở lại của nhóm ngân hàng trong những phút cuối phiên, cả VN-Index và HNX-Index đều đảo chiều thành công để chốt phiên với sắc xanh nhạt. Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên sáng cuối tuần trước.

Bước vào phiên giao dịch chiều, quán tính của cuối phiên sáng giúp 2 chỉ số nới rộng đà tăng trong phiên chiều, nhưng chỉ nhích nhẹ, trước khi quay đầu đi xuống. Sự phân hóa diễn ra rõ nét giữa các mã cổ phiếu khiến VN-Index sau đó lình xình quanh ngưỡng tham chiếu và đóng cửa may mắn có sắc xanh nhạt. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra sôi động hơn rất nhiều so với phiên sáng, cả trong phiên khớp lệnh và thỏa thuận.

Trong khi đó, HNX-Index sau hơn 1 tiếng lình xình gần tham chiếu, đã lao mạnh trong ít phút cuối phiên khi ACB, SHB trở lại với sắc đỏ, thậm chí có thêm PVS điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng ấn tượng trước đó.

Cụ thể, chốt phiên đầu tuần mới, VN-Index tăng 0,63 điểm (+0,07%), lên 960,23 điểm với 115 mã tăng và 156 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 229,66 triệu đơn vị, giá trị 5.259,4 tỷ đồng, tăng 16,26% về khối lượng và 10,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 76 triệu đơn vị, giá trị 1.870 tỷ đồng, đáng chú ý là giao dịch của 47,95 triệu cổ phiếu HNG ở mức sàn, tương đương giá trị 757,97 tỷ đồng và 4,27 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 444,59 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 6/8
Diễn biến VN-Index phiên 6/8

Trong khi đó, HNX-Index đóng cửa giảm 0,64 điểm (-0,61%), xuống 105,6 điểm với 52 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,51 triệu đơn vị, giá trị 510 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 14,8% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,8 triệu đơn vị, giá trị 99,56 tỷ đồng.

Như đã đề cập ở trên, sự phân hóa diễn ra rõ nét trên HOSE cả giữa các nhóm và trong từng nhóm cổ phiếu. Trong nhóm ngân hàng, trong khi VCB, BID, STB, EIB duy trì sắc xanh, dù thấp hơn so với phiên sáng, thì TCB, VPB, MBB, TPB lại giảm giá, còn CTG và HDB giữ được mức tham chiếu.

Cụ thể, VCB tăng 0,85%, lên 59.000 đồng, BID tăng 1,13%, lên 26.850 đồng, STB tăng 0,9%, lên 11.150 đồng và EIB tăng 1,07%, lên 14.200 đồng. Trong khi TCB giảm 1,23%, xuống 28.000 đồng, VPB giảm 1,69%, xuống 26.150 đồng, MBB giảm 1,08%, xuống 22.850 đồng, TPB giảm 3,04%, xuống 23.900 đồng.

Các cổ phiếu lớn khác cũng phân hóa, trong khi VNM giảm 1,05%, xuống 159.900 đồng, SAB giảm 0,45%, xuống 199.000 đồng, BVH giảm 2,56%, xuống 76.000 đồng, cùng sắc đỏ nhạt tại HPG, VJC, NVL…, thì GAS lại tăng 2,67%, lên 96.100 đồng, MSN tăng 2,82%, lên 87.400 đồng, VRE tăng 1,2%, lên 42.000 đồng, PLX tăng 2,08%, lên 63.900 đồng… Còn cặp đôi VIC và VHM may mắn đứng ở mức tham chiếu 111.500 đồng và 109.000 đồng.

Cũng thuộc nhóm dầu khí, trong khi GAS, PLX tăng, thì PVD lại quay đầu giảm 1,33%, xuống 14.800 đồng với 5 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hôm nay chứng kiến sự bùng nổ của GTN khi mức tăng trần lên 12.650 đồng với 10,43 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, khối ngoại tranh thu bán ra rất mạnh mã này với khối lượng bán ròng gần 5,7 triệu đơn vị. DCM cũng tăng trần lên 11.050 đồng với 1,94 triệu đơn vị được khớp.

FLC cũng tăng lên mức cao nhất ngày 6.400 đồng, tăng 5,96% với 15,4 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu thị trường. Trong khi HAG hạ nhiệt bớt khi chỉ còn tăng 1,12%, lên 7.230 đồng với 8,7 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, các mã khác trong nhóm này như HQC, ASM, ITA, IDI, HHS, SCR, KBC, HNG, DLG, HAI lại đóng cửa trong sắc đỏ, thậm chí QCG đóng cửa ở mức sàn 8.560 đồng.

Trên HNX, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ còn VGC tăng nhẹ 0,56%, lên 18.000 đồng, còn lại đều giảm giá. Trong đó, ACB giảm 0,85%, xuống 35.200 đồng với 2,38 triệu đơn vị được khớp; VCS giảm 1,72%, xuống 85.500 đồng; SHB giảm 1,25%, xuống 7.900 đồng với 4,5 triệu đơn vị được khớp, PVS giảm 0,53%, xuống 18.800 đồng với 6,1 triệu đơn vị được khớp; VCG giảm 2,3%, xuống 17.000 đồng, PVI giảm 1,36%, xuống 29.000 đồng.

Các mã bluechip khác cũng có mức giảm mạnh như CEO giảm 3,13%, xuống 12.400 đồng, DBC giảm 2,04%, xuống 24.000 đồng, SHS giảm 2,88%, xuống 13.500 đồng, trong khi MBS tăng 1,88%, lên 16.300 đồng, NVB tăng 1,47%, lên 6.900 đồng…

Trên sàn UPCoM, sau khi nới nhẹ đà tăng trong ít phút đầu, chỉ số UPCoM-Index cũng lao mạnh xuống dưới tham chiếu và chỉ có may mắn mới trở lại sắc xanh trong ít phút cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,19%), lên 50,72 điểm với 86 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,33 triệu đơn vị, giá trị 320 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 62,85 tỷ đồng.

Ngoài BSR và VEA, chốt phiên chiều nay, sàn UPCoM có thêm 2 mã nữa được khớp trên 1 triệu đơn vị là LPB và DVN, thậm chí LPB còn đứng trên VEA với tổng khớp 2,4 triệu đơn vị.

Trong đó, BSR vẫn dần đầu về thanh khoản với 3,16 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 18.000 đồng, LPB giảm nhẹ 1 bước giá, còn VEA và DVN tăng 2,15%, lên 23.800 đồng và 10%, lên 15.400 đồng (tổng khớp lần lượt là 1,59 triệu đơn vị và 1,25 triệu đơn vị).

Các mã khác cũng có sự phân hóa khi sắc xanh xuất hiện tại VGT, SDI, MSR, trong khi OIL, TIS, VIB, LTG, VGG giảm giá.

Chứng khoán phái sinh hôm nay cũng đều giảm điểm. Cụ thể, VN30F1808 (đáo hạn ngày 16/8/2018) giảm 0,04%, xuống 934,6 điểm với 95.205 hợp đồng được chuyển nhượng. VN30F1809 (đáo hạn ngày 20/9) giảm 0,3% xuống 932,2 điểm với 330 hợp đồng được chuyển nhượng. VN30F1812 (đáo hạn ngày 20/12) giảm 0,64%, xuống 932 điểm với 79 hợp đồng được chuyển nhượng. VN30F1903 (đáo hạn ngày 21/3/2019) giảm 0,58%, xuống 933,7 điểm với chỉ 46 hợp đồng được chuyển nhượng.