Trong phiên giao dịch sáng, sắc xanh từ dư âm của phiên tăng trước đó nhanh chóng được thay bằng sắc đỏ khi tâm lý thận trọng cao độ sớm xuất hiện.
Dòng tiền vào thị trường hết sức dè dặt, trong khi áp lực bán luôn trực chờ khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ và có nhiều thời điểm đã lùi qua ngưỡng hỗ trợ 885 điểm, trước khi dừng ở mốc này khi kết phiên. Điểm nhấn trong phiên sáng nay là hoạt động giao dịch diễn ra hết sức ảm đạm khi cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng bán ra, trong khi cầu mua vào rất yếu.
Điều này đã được cải thiện trong phiên giao dịch chiều khi hoạt động giao dịch trở nên tích cực hơn, thanh khoản theo đó cũng tăng so với phiên sáng. Dẫu vậy, việc mua vào không thực sự rõ rệt, chủ yếu tập trung vào một số cổ phiếu nên không tạo động lực tăng mạnh, do đó VN-Index chỉ nhúc nhắc hồi phục, mà chưa thể tăng.
Đóng cửa, với 118 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index giảm 2,2 điểm (-0,25%) xuống 887,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 112,83 triệu đơn vị, giá trị 2.688,66 tỷ đồng, giảm 11,5% về khối lượng, nhưng tăng 3% về giá trị so với phiên 7/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 20,7 triệu đơn vị, giá trị gần 1.019 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hơn 5 triệu trái phiếu VHM11802, giá trị gần 517 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 8/1 |
So với phiên sáng, nhiều mã vốn hóa lớn đã hồi phục để hạn chế đà giảm của VN-Index. GAS là mã đóng góp tích cực nhất khi tăng 2,3% lên 88.300 đồng, bên cạnh đó là MSN +1% lên 79.000 đồng, VCB +0,7% lên 55.000 đồng. Các mã VIC, VHM, SAB, TCB cũng đã về được tham chiếu.
Trong khi đó, sắc đỏ vẫn phủ sẫm rổ VN30, cho dù đà giảm đã hạn chế, tạo sức ì lên chỉ số. Các mã tạo gánh nặng nhất lên VN-Index có thể kể tới như NVL, VNM, HPG, PXL, CII, VJC, MWG..., trong đó NVL vẫn giữ nguyên mức giá sàn 57.700 đồng (-6,9%), CII -3,7% về 24.500 đồng, HPG -1,7% về 28.800 đồng, VNM -0,8% về 130.000 đồng...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, khá nhiều mã đi ngược thị trường, thậm chí tăng trần như ASM, IDI, HVG, VOS, FIT, ATG... đi kèm thanh khoản cao, khớp lệnh từ 1-3 triệu đơn vị là ASM, IDI, HVG.
FLC dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 6,67 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 4,1% lên 5.340 đồng. Các mã tăng đi kèm thanh khoản tốt khác là KBC, DIG, DLG, HAG, QCG, SRC, LDG...
Ngược lại, SJF có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp về 6.040 đồng (-6,9%), cũng là phiên thứ 16 không tăng (12 phiên giảm, trong đó 7 phiên giảm sàn).
Trên sàn HNX, mức độ hồi phục không tốt bằng HOSE khi nhiều cổ phiếu trụ cột vẫn yếu đà, thanh khoản cũng cải thiện hơn trong phiên chiều.
Đóng cửa, với 58 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,65%) xuống 101,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,68 triệu đơn vị, giá trị 287 tỷ đồng, tăng 14,5% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 7/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không mấy đáng kể với 2,6 triệu đơn vị, giá trị gần 17 tỷ đồng.
Khá nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips đã hồi phục như VCS, VC3, NTP, PVS, PVC, VCG, DHT... PVS khớp 2,78 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên HNX. VCG khớp 2,68 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, không ít mã trụ khác như ACB, SHB, VGC, PVI, DGC... vẫn giảm khá mạnh, thanh khoản không cao, tạo gánh nặng cho chỉ số. ACB giảm 0,3% về 28.600 đồng, SHB giảm 2,8% về 7.000 đồng, VGC giảm 1,6% về 17.900 đồng... , trong đó chỉ SHB có thanh khoản tốt với 1,68 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các mã HHG, NHP, VIT... tăng trần, riêng HHG khớp lệnh 1,96 triệu đơn vị và 1 trong 5 mã thanh khoản cao nhất sàn, đạt mức giá 1.800 đồng.
Ngược lại, các mã VIG, SRA, OCH, BII... giảm sàn, thanh khoản thấp.
Trên thị trường UPCoM, sắc xanh trên sàn này chịu thử thách lớn trong phiên chiều, thậm chí có thời điểm đã lùi qua tham chiếu. Dù vậy, nhờ nhiều cổ phiếu lớn giao dịch tích cực nên chỉ số sàn này vẫn tăng điểm khi chốt phiên.
Đóng cửa, với 86 mã tăng và 56 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,24%) lên 52,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,99 triệu đơn vị, giá trị 158 tỷ đồng, tăng 17,5% về khối lượng và 66% về giá trị so với phiên 7/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 39 tỷ đồng.
Phiên này, sàn UPCoM không có mã nào đạt mức khớp từ 1 triệu đơn vị trở lên. Khớp lệnh cao nhất sàn là VGT với 0,65 triệu đơn vị, tăng 4,8% lên 11.000 đồng. Các mã lớn khác tăng điểm như HVN, LPB, VEA, MCH, ACV, VGI...
Ở chiều ngược lại, các mã BSR, OIL, QNS, DVN, MPC... giảm điểm, trong đó QNS giảm mạnh 2,9% về 40.200 đồng.