Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Phiên đầu tuần “bão táp”, cổ phiếu bất động sản và "họ Vin” tăng nhưng không gánh nổi thị trường
Tùng Linh - 18/03/2024 18:16
 
VN-Index đã có thời điểm “bốc hơi” tới 45 điểm nhưng kết thúc phiên chỉ còn giảm hơn 20 điểm, về mốc 1.243,56 điểm. Áp lực bán dâng lên rất cao ngay đầu tuần.
Chứng khoán Việt Nam bước qua phiên giao dịch đầy bão táp 

Cổ phiếu "họ Vin" tăng tốt nhưng không kéo được thị trường

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (18/3), tâm lý nhà đầu tư vẫn to ra thận trọng. Dù vậy, các chỉ số biến động trong biên độ hẹp, thậm chí đôi lúc duy trì được sắc xanh. Trong đó, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm bất động sản.

Tuy nhiên, sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, những diễn biến bất ngờ đã xảy đến. Áp lực bán bất ngờ diễn ra và khởi đầu ở một số cổ phiếu có đợt tăng mạnh trước đó như DGC, DGW, CTD... Các cổ phiếu này đột ngột chịu áp lực bán tháo và giảm sàn ngay giữa buổi sáng.

Áp lực bán trên diện rộng nhanh chóng diễn ra, lan toả đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác như và điều này đẩy các chỉ số rơi mạnh, VN-Index có thời điểm giảm đến khoảng 45 điểm.

Diễn biến trong phiên chiều không tiêu cực hơn, thay vào đó, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra bớt hoảng loạn hơn và điều này giúp thị trường phần nào thu hẹp đà giảm. Khởi đầu của sự hồi phục này là việc nhóm cổ phiếu họ "Vin" có sự tích cực. Trong đó, VRE tăng kịch trần sau thông tin Vingroup thoái vốn Vincom Retail. Cụ thể, HĐQT Tập đoàn Vingroup ban hành nghị quyết số 3/2024. Theo đó, Vingroup quyết định việc tập đoàn và các công ty con sẽ bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI – đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado, cổ đông lớn của Vincom Retail. Giao dịch dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 3/2024 đến quý III/2024.

Bên cạnh VRE, VIC cũng tăng 3,8%. VIC và VRE là 2 cổ phiếu hiếm hoi trong nhóm VN30 không giảm giá ở phiên hôm nay.

Hai cổ phiếu họ Vin tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index

VIC phiên hôm nay đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,59 điểm, tiếp sau đó là VRE với 1 điểm. Bất động sản là nhóm hiếm hoi có được sự tích cực ở phiên hôm nay, trong đó, DIG được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh lên đến gần 79 triệu đơn vị. Các mã như TCH, HQC, DXG, PDR... đồng loạt bứt phá.

Trong khi đó, đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều ghi nhận mức giảm sâu trong phiên 18/3. Điểm tích cực là đến cuối phiên không xuất hiện những giao dịch mang tính chất hoảng loạn, bán tháo. Tại nhóm chứng khoán, sự ảnh hưởng của thị trường đến nhóm này là tương đối mạnh, trong đó, HCM giảm 4,2%, VCI giảm 3,7%, SSI giảm 3%. Các mã chứng khoán top dưới có phần chịu áp lực mạnh hơn khi FTS giảm 5,5%, CTS giảm 5,3%, VDS giảm 4,3%...

Tương tự, các nhóm cổ phiếu giữ khá tốt đợt vừa qua là khu công nghiệp cũng ghi nhận nhiều mã lao dốc như SZC giảm 6,2%, GVR giảm 5,9%, LHG giảm 5,4%...

GVR cũng là mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 2 điểm. Các mã ngân hàng như CTG, VCB, TCB, VPB... cũng có một phiên giao dịch tiêu cực và gây áp lực rất lớn lên thị trường chung, CTG giảm 4,2%, TCB giảm 3,1%, VCB giảm 1,1%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 20,22 điểm (1,6%) xuống 1.243,56 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 407 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,86 điểm (-1,19%) xuống 236,68 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 125 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,03 điểm (-1,13%) xuống 90,32 điểm.

Thanh khoản vọt tăng, hơn 1,7 tỷ USD sang tay trong phiên

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 1,71 tỷ đơn vị, giá trị 43.129 tỷ đồng, tăng 59,8% về khối lượng và 56,78% về giá trị so với phiên trước đó. Khối lượng giao dịch sàn HoSE phiên hôm nay chỉ kém phiên kỷ lục hôm 18/8/2023, nhưng nhỉnh hơn về giá trị (phiên 18/8/2023 giá trị giao dịch đạt hơn 36.000 tỷ đồng).

DIG là mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với gần 79 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, VIX cũng khớp lệnh được hơn 62,7 triệu đơn vị. VND và HPG đều khớp lệnh trên 50 triệu đơn vị.

Khối ngoại bán ròng  mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF dựa trên rổ danh mục VNDiamond

Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp trên HoSE với giá trị ở mức hơn 900 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng rất mạnh CCQ ETF FUEVFVND với 852 tỷ đồng. VHM, DGC, VPB và VNM đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã VRE với 140 tỷ đồng. DIG cũng được mua ròng 132 tỷ đồng.

Phiên đầu tuần “bão táp”, cổ phiếu BĐS và họ “Vin” tăng nhưng không gánh nổi thị trường

Vàng nhẫn rơi sâu, bốc hơi gần 2 triệu đồng/lượng trong tuần đón tin CPI Mỹ
Trong khi vàng miếng tương đối vững chân, vàng nhẫn giao dịch tiêu cực hơn và đã có tuần giảm đầu tiên trong tháng 3/2024. Số liệu lạm phát công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư