Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà: Doanh nghiệp tư nhân có vai trò rất lớn
Kỳ Thành - 10/05/2017 08:20
 
Ngày 17/5 tới sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp năm 2017, với số lượng doanh nghiệp tham dự tăng gấp 4 lần so với hội nghị năm ngoái, trong đó có 1.500 đại biểu đến từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ có vai trò rất lớn khi Việt Nam thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp.

Thưa ông, một sự kiện đang được giới doanh nghiệp chờ đón là Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, được tổ chức ngày 17/5 tới đây. Ông có thể chia sẻ đôi nét về Hội nghị và những điểm khác biệt so với Hội nghị năm ngoái?

Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp năm nay có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, thể hiện quyết tâm của Chính phủ là kiến tạo, hành động để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Hội nghị năm nay có khoảng 2.000 đại biểu tham dự, gấp 4 lần so với năm ngoái, trong đó có 1.500 đại biểu đại diện các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố sẽ tham gia họp trực tuyến tại các điểm cầu.

.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà

Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị sẽ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp phát triển doanh nghiệp. Từ 15 giờ cùng ngày, Thủ tướng và các Phó thủ tướng họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có chỉ thị về Chính phủ đồng hành cùng phát triển doanh nghiệp.

Chỉ diễn ra trong 1 ngày, vậy làm thế nào để Hội nghị giải quyết tất cả các vấn đề đã nêu một cách tốt nhất, thưa ông?

Các vấn đề đó đã được giải quyết trong suốt năm 2016. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã nhận, trực tiếp xử lý và gửi cho các bộ, ngành giải quyết từng vấn đề tùy theo thẩm quyền. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cũng đã được trình Thủ tướng giải quyết. Những kiến nghị khác do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp đã được gửi trực tiếp đến các đơn vị, Văn phòng Chính phủ đã chuyển cho các bộ, ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền.

Hiện có 18/20 bộ, ngành, 48/63 địa phương gửi báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 35 cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả đánh giá đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng để báo cáo tại Hội nghị. Báo cáo này sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong thời gian sớm nhất để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan báo đài nghiên cứu.

Câu chuyện quán cà phê Xin chào đã trở thành “điểm nhấn” của Hội nghị năm ngoái. Vậy tại Hội nghị năm nay, vấn đề hoặc vụ việc cụ thể nào của doanh nghiệp sẽ trở thành điểm nhấn, thưa ông?

Năm ngoái, rất ngẫu nhiên khi Hội nghị chuẩn bị diễn ra thì xảy ra sự kiện quán cà phê Xin chào. Sự kiện đó đã khiến cho Hội nghị trở nên "nóng" hơn nhiều. Sự việc đã tác động không nhỏ đến việc chuẩn bị Hội nghị xung quanh nội dung không hình sự hóa quan hệ kinh tế và dân sự. Nội dung này đã được cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và Thủ tướng đã có chỉ đạo ngay tại Hội nghị.

Năm nay, chúng tôi đã thảo luận nhưng chưa thấy có sự kiện gì và chắc chắn chúng ta không mong có điều gì xảy ra cho doanh nghiệp. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ không tập trung chính vào giải quyết các bức xúc, khó khăn, bất cập, mà trọng tâm là đưa ra giải pháp phát triển doanh nghiệp. Tất nhiên, trong các giải pháp phát triển doanh nghiệp phải có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay.

Theo chương trình, Hội nghị năm nay sẽ có 1.500 đại biểu đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đây có phải định hướng để thực hiện chủ trương mà Trung ương đang thảo luận nhằm nâng cao vai trò của khi vực kinh tế tư nhân hay không, thưa ông?

Quan điểm từ Hội nghị lần trước mà chúng tôi có đề xuất và được chỉ đạo là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Năm ngoái, thành phần chính được mời họp và phát biểu là khu vực doanh nghiệp tư nhân, bởi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước đã có các hội nghị khác. Điều này thể hiện việc đối xử hết sức công bằng, minh bạch và năm nay cũng sẽ tương tự như vậy.

Trong các thành phần kinh tế hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn. Doanh nghiệp nhà nước đã giảm còn rất ít, chỉ còn vài trăm doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp FDI cũng rất lớn, nhưng để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, thì doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò rất lớn và chiếm tỷ lệ chủ yếu.

Nỗi lo của doanh nghiệp tư nhân lớn
Những nghiên cứu mới về khu vực kinh tế tư nhân đang gợi nên nỗi lo mới khi bóng dáng rủi ro đã lẩn khuất đâu đó ở các tập đoàn tư nhân lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư