Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phó TGĐ Vietcombank: Không có lý do hạ tín nhiệm với quốc gia, ngân hàng Việt Nam
T.L - 11/10/2019 16:16
 
Lý giải Vietcombank trở thành 1 trong 17 ngân hàng bị Moody’s dọa hạ xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank cho hay, xếp hạng của Vietcombank đang ngang bằng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia nên xếp hạng tín nhiệm quốc gia giảm sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Trả lời phóng viên sáng 11/10, ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, thực tế, Moody’s vẫn đánh giá cao sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt. Việc xem xét hạ tín nhiệm ngân hàng, doanh nghiệp hoàn toàn là do ảnh hưởng bởi hạ tín nhiệm quốc gia.  

“Như Vietcombank, hạn mức tín nhiệm hiện nay đang ở mức tối đa – tức ngang bằng với tín nhiệm quốc gia. Nếu tín nhiệm quốc gia bị hạ thì tín nhiệm doanh nghiệp cũng sẽ bị hạ xuống. Tuy nhiên, Moody’s cũng liên tục rà soát, đánh giá. Vì vậy, bằng các lập luận của mình, chúng ta cần phải chứng minh với họ rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, không có lý do gì để giảm xếp hạng tín nhiệm với quốc gia, doanh nghiệp”, ông Tùng nói.

Cách đây 2 ngày, Moody’s đã thông báo xem xét hạ tín nhiệm của Việt Nam sau khi nhận được thông tin Chính phủ Việt Nam hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Thời gian xem xét mà Moody’s đưa ra là trong vòng 3 tháng.  

Bộ Tài chính cho rằng, việc Moody's đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Cơ sở Moody's đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ. Tuy nhiên, đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Bộ Tài chính mong Moody's sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody's và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác.

Trong quá trình xem xét, Moody’s sẽ đánh giá các hoạt động và hệ thống mà chính phủ thực hiện nhằm đảm bảo việc thanh toán các nghĩa vụ suôn sẻ, kịp thời và đúng đắn. Moody’s cho biết việc hoãn thanh toán cho thấy điểm yếu về thể chế. Dù việc Việt Nam có dự trữ ngoại hối lớn và nghĩa vụ nợ thấp cho thấy đủ khả năng trả nợ, quá trình xem xét sẽ giúp Moody’s chắc chắn liệu điểm yếu thể chế vừa bộc lộ này có làm tăng rủi ro lỡ hẹn thanh toán trong tương lai hay không.  

Đồng thời với xem xét hạ tín nhiệm quốc gia, hôm qua (10/10), Moody’s cũng thông báo sẽ xem xét hạ xếp hạng của 17 ngân hàng Việt và khẳng định, động thái này không phải xuất phát từ sức khỏe ngân hàng, mà hoàn toàn là do ảnh hưởng từ tín nhiệm quốc gia với Việt Nam đang bị tổ chức này xem xét giảm bậc.  

 17 ngân hàng chịu ảnh hưởng là Ngân hàng An Bình (ABB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) và Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Tuy vậy, Moody’s cho biết họ có thể giữ nguyên xếp hạng của 17 nhà băng trên với triển vọng ổn định, nếu tín nhiệm của Việt Nam cũng được giữ ở Ba3 với triển vọng tương tự. Ngược lại, Moody’s sẽ hạ xếp hạng và đánh giá của các nhà băng này nếu tín nhiệm của Việt Nam đi xuống.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư