Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phó Thủ tướng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiên phong đổi mới cả tư duy và hành động
Kỳ Thành - 16/01/2019 18:53
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, tầm nhìn và tư duy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đổi mới hơn, có nhiều hành động, đề xuất "lấy đá ghè chân mình", dám từ bỏ đặc quyền của mình.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2019 của ngành kế hoạch và đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngành KH&ĐT và Bộ KH&ĐT có đóng góp lớn, quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của đất nước trong năm 2018.

“Bộ KH&ĐT là một trong những bộ đi tiên phong, đổi mới cả về tư duy và hành động”, Phó Thủ tướng nhận định trong bối cảnh năm 2018, khối lượng công việc của Bộ tăng đột biến, độ khó và phức tạp tăng lên, trong điều kiện dư địa chính sách tài chính, tiền tệ cho tăng trưởng còn eo hẹp lại gặp nhiều thách thức lớn, vừa phải lo cho trước mắt, vừa lo cho trung hạn và lâu dài.

Không chỉ vậy, Bộ KH&ĐT cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành chính sách, kế hoạch tài chính. Các kịch bản điều hành giá giữa Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), Bộ Tài chính tạo thuận lợi trong điều hành giá của Chính phủ, các bộ, địa phương theo sát kịch bản...

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận Bộ có nhiều sáng kiến hơn, như đề xuất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là chuyển Diễn đàn Phát triển Việt Nam VBF thành Diễn đàn cải cách và phát triển, đây là sự thay đổi về tư duy.

Phó Thủ tướng chỉ ra Bộ đề xuất “có vẻ như lấy đá ghè chân mình, từ bỏ đặc quyền của mình như đề xuất trong sửa đổi dự án Luật Đầu tư công đã bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT. Hay Bộ đề xuất chuyển một loạt thủ tục tiền kiểm sang hậu kiểm. Tôi đánh giá cao các đồng chí, từ bỏ quyền lợi, đặc quyền của mình vì lợi ích chung”.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra các vấn đề mà Bộ KH&ĐT cần tư vấn kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng với vai trò là "kiến trúc sư trưởng" của nền kinh tế.

Đơn cử, năm 2018, chúng ta phải cắt giảm các năng lực dư thừa của nền kinh tế như loại bỏ bớt rào cản môi trường kinh doanh, khu vực doanh nghiệp Nhà nước hay giải quyết các đại dự án thua lỗ...

Phó Thủ tướng chỉ ra nỗi lo của Việt Nam khi chúng ta đối diện với thực tế là dân số Việt Nam đang là "dân số vàng" song cơ cấu dân số sẽ già hóa nhanh. "Nguy cơ Việt Nam chưa giàu đã già, đối diện với nhiều vấn đề xã hội, an sinh ngày càng cận kề, hiện hữu", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nền kinh tế còn gặp khó khăn cố hữu như tăng trưởng năng suất lao động có cải thiện nhưng thấp so với khu vực. Tổng đầu tư toàn xã hội có tăng, song chi phí dành cho chống biến đổi khí hậu, thách thức tự nhiên, toàn cầu đang lớn hơn.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước được xem là động lực cho kinh tế Việt Nam. Trong đó, cắt giảm giấy phép kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành nhưng quan trọng là từ chính sách đến thực thi đang có vấn đề. "Khoảng cách từ chính sách, đến thực thi cần phải ngắn hơn nữa, thiết thực hơn nữa mới được hiệu quả, có niềm tin doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, tháo gỡ nút thắt các công trình hạ tầng quốc gia, tập trung phân bổ đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng của kinh tế Việt Nam năm tới đây.

Ông giao cho Bộ KH&ĐT ngay bây giờ phải tập trung vào chính sách đầu tư công trung hạn 2020 - 2025. "Lập chính sách đầu tư công phải làm sao để Quốc hội quyết định ngay trong nhiệm kỳ này, không phải mất hẳn một năm như nhiệm kỳ trước, cuối năm 2016 chúng ta mới phê duyệt quy hoạch đầu tư công", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực của Tiểu ban xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII tập trung triển khai xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; xây dựng Đề án về định hướng chính sách thu hút FDI, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các luật.

“Để trở thành nước phát triển thì thành công của quá khứ chỉ là bước đầu. Thành công này là tốt nhưng có thể không bảo đảm cho đất nước trong tương lai nếu không củng cố, phát triển các động lực”, Phó Thủ tướng nêu rõ nhận thức cho ngành KH&ĐT.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư