Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Đà Nẵng phải khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực
Hoàng Anh - 21/10/2020 14:32
 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Đà Nẵng cần khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của khu vực.

Ngày 21/10, tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương sự phát triển khá toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Đà Nẵng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, giai đoạn 2016-2019, kinh tế Đà Nẵng duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển, nổi bật trong đó là các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được đặc biệt quan tâm đầu tư; các chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có” đậm tính nhân văn được triển khai hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 về đích trước 2 năm...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng TP.Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng TP.Đà Nẵng.

Vui mừng trước những kết quả đạt được, tuy nhiên đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý Đà Nẵng vẫn còn nhiều những hạn chế: như Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên một số mặt vẫn còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy chưa thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ đã dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm đến mức thi hành kỷ luật.

Kinh tế TP. Đà Nẵng có tăng trưởng nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đạt yêu cầu của một đô thị động lực phát triển của khu vực miền Trung (với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm 1,65% cả nước), chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng cũng như phát huy lợi thế mà thành phố đang có.

Những năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần suy giảm, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển. Dư địa phát triển, nhất là quỹ đất sạch dành cho việc thu hút đầu tư không còn nhiều. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng …

Thay mặt Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gợi mở  một số vấn đề để Đại hội Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ 22 cần tập trong thảo luận.

Theo đó, Đảng bộ Thành phố cần quán triệt và xác định công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong trong đổi mới là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ đến.

Cần kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.

Thành phố Đà Nẵng có sự phát triển toàn diện trong những năm qua.
Thành phố Đà Nẵng có sự phát triển toàn diện trong những năm qua.

Về phát triển kinh tế, Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực sự khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đà Nẵng phải có khát vọng đi đầu trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong vùng.

“Để thực hiện mục tiêu đó, Đà Nẵng cần phải đổi mới mạnh mẽ mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực quan trọng để phát triển thành phố thời gian tới; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Nhanh chóng khôi phục và lấy lại đà tăng trưởng ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, chính quyền luôn sẵn sàng đối thoại và đồng hành cùng doanh nghiệp…”, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý.

Phó Thủ tướng lưu ý, Đảng bộ Đà Nẵng cần dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển. Cần chú trọng đầu tư cho giáo dục - đào tạo và y tế, không chỉ phục vụ cho người dân thành phố mà nơi đây phải là trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đà Nẵng là địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của cả nước. Vì vậy, cần tập trung giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả.

Ngoài ra, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục củng cố mối quan hệ, phối hợp với các cơ quan Trung ương và đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển Vùng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ 22 khai mạc chính thức ngày 21/10.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ 22 khai mạc chính thức ngày 21/10.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, phải đưa 2 Nghị quyết này đi vào đời sống một cách thực chất và hiệu quả nhất; đồng thời, chủ động phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực, mạnh dạn đề xuất với Trung ương có cơ chế đặc thù để phát triển “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, trong đó xác định Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị và là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư