Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phòng chống ngập lụt ở TP.HCM: Đầu tư từ đâu? - Bài 2: Ngàn tỷ chống ngập, nước vẫn dềnh
Ngô Nguyên - Việt Dũng - 09/07/2020 08:39
 
Hơn 5.400 tỷ đồng ngân sách đã được chi cho 44 dự án chống ngập tại TP.HCM trong 4 năm qua, nhưng “đến hẹn lại lên”, người dân Thành phố vẫn khốn khổ vì ngập lụt.

Đã đến lúc, TP.HCM phải xem xét lại và quyết liệt thực hiện các giải pháp chống ngập.

Bài 2: Ngàn tỷ chống ngập, nước vẫn dềnh

Đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng cho 44 dự án chống ngập trong giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục chi thêm hàng ngàn tỷ đồng nữa, nhưng chưa ai khẳng định tình trạng ngập lụt ở TP.HCM có được giải quyết triệt để.

Đoàn xe ách tắc kéo dài vì ngập lụt tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Đoàn xe ách tắc kéo dài vì ngập lụt tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Hiện trạng ngập nước vẫn… rất phức tạp

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 mới đây, UBND TP.HCM cho hay, từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách của Thành phố, trong lĩnh vực giảm ngập, TP.HCM đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án với tổng mức đầu tư 5.453 tỷ đồng.

Nhờ vậy, các tuyến đường trước đây được xem là “rốn” ngập của Thành phố như khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường 3/2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Bình Thới, khu vực bến xe Chợ Lớn, đường Nơ Trang Long, Kinh Dương Vương, Lê Lai, Nguyễn Biểu… đã không còn tình trạng ngập. Đến hết năm 2019, TP.HCM đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt 59,46% so với chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2016 - 2020.

Trong năm 2020, nhiều dự án ngăn triều, chống ngập do mưa tại TP.HCM sẽ đồng loạt được triển khai hoặc hoàn thành.

Đơn cử, dự án có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Trungnam Group làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020 giúp kiểm soát ngập do triều ở các sông, kênh lớn và nhiều đoạn đê nhằm phần nào khống chế con nước triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn.

Cùng với đó, Dự án Kiểm soát triều bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm) hiện đã đạt 90% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm nay, sẽ giúp chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn và ngăn triều cường, bảo vệ 1.600 ha đất đô thị, dân số khoảng 25.000 người.

Ngoài ra, trong năm 2020 và 2021, TP.HCM sẽ khởi công và hoàn thành nhiều dự án chống ngập do mưa, gồm: Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý, quận Tân Phú (từ Gò Dầu đến Tân Hương) khởi công quý III và hoàn thành trong quý IV/2020; Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định, quận Tân Bình (từ Trường Chinh đến Âu Cơ) khởi công và hoàn thành trong quý IV/2020.

Trong danh sách này, còn có Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát, quận Tân Bình (từ Trương Công Định đến Võ Thành Trang) khởi công trong quý IV/2020 và hoàn thành trong năm 2021; Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Cụt) và Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp (từ Lê Đức Thọ đến Thống Nhất) sẽ khởi công và hoàn thành trong năm 2021; Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức khởi công và hoàn thành trong năm 2021; Dự án Hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ cầu) khởi công năm 2021; Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng) cũng được khởi công và hoàn thành năm 2021.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, dù đạt được nhiều hiệu quả, nhưng hiện trạng ngập nước tại TP.HCM vẫn rất phức tạp. Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong công tác chống ngập như tốc độ đô thị hóa nhanh, mặt đất tiếp tục lún và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Vì vậy, khả năng kiểm soát ngập 100% là điều khó có thể thực hiện được.

Tiếp tục… đổ tiền

Tháng 5/2020, Viện McKinsey Global công bố nghiên cứu cảnh báo, nguy cơ ngập lụt tại TP.HCM có thể tăng gấp 10 lần cho đến năm 2050 nếu các hoạt động kinh tế và xây dựng hạ tầng diễn ra quá mức. Tình trạng ngập lụt tại TP.HCM hiện nay so với 30 năm trước sẽ gây thiệt hại về hạ tầng nhiều gấp 20 lần và có nguy cơ tạo ra phản ứng dây chuyền gấp 20 lần. Nhiều dự án lớn đang được triển khai bao gồm hệ thống tàu điện ngầm, các dự án năng lượng mới, xử lý nước thải, trung tâm dữ liệu... sẽ là những tài sản đáng giá có thể đối mặt với thiệt hại. Trong trường hợp xấu nhất là nước biển tăng tới mốc 180 cm cho đến cuối thế kỷ 21, thì 2/3 Thành phố có nguy cơ đối mặt với trận ngập lịch sử. Ngoài ra, hệ thống tàu điện có thể buộc phải ngưng hoạt động với 60% số trạm không sử dụng được. Tổn thất về bất động sản cũng sẽ lên đến 18 tỷ USD...

TP.HCM đã đổ hàng ngàn tỷ đồng mà không thể kỳ vọng giải quyết dứt điểm ngập lụt, song việc đầu tư vẫn không thể dừng lại.

Minh chứng, mới đây, lãnh đạo TP.HCM đã cơ bản đồng ý với nhiều định hướng trong Đề án Chống ngập và xử lý nước thải tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045, cùng Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030 do Sở Xây dựng trình.

Theo Đề án này, giai đoạn 2020 - 2025, TP.HCM sẽ thực hiện các dự án như nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại; xây mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Đông Thành phố; nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm; nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp); xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát.

Tiếp đó, giai đoạn 2026-2030, TP.HCM sẽ thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Đồng thời, Thành phố sẽ xây mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch; đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực dân cư đông như Bắc Sài Gòn, Tây Sài Gòn, Nam Sài Gòn...

Xã hội hóa đầu tư chống ngập: Còn lắm gian nan

Nếu tiếp tục đổ tiền từ ngân sách… xuống nước, sẽ tăng thêm gánh nặng đè lên vai người dân. Vậy đâu là giải pháp cho công tác phòng, chống ngập lụt ở TP.HCM?

Mới đây, trao đổi với báo chí khi khảo sát Dự án Ngăn triều do Trungnam Group làm chủ đầu tư, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Tìm cách xã hội hóa, tìm cơ chế tư nhân tham gia, Nhà nước thanh toán. Đó là cách để chúng ta có những dự án chống ngập lớn như dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng”.

Trao đổi về hình thức xã hội hóa các dự án chống ngập, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết, giai đoạn I Dự án của Trungnam Group được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), cụ thể là xây dựng - chuyển giao (BT). Đây là hình thức đầu tư phối hợp giữa khối doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, đã được triển khai ở nhiều quốc gia, đảm bảo lợi ích hài hòa của cả 2 bên.

“Nhà nước mời doanh nghiệp cùng làm, thì cần có hành lang pháp lý rõ ràng”, ông Tiến đề xuất.

Sở dĩ Tổng giám đốc Trungnam Group đề cập điều này, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, xuất phát từ thực tế, TP.HCM chưa thực sự có chính sách đồng bộ với Dự án Ngăn triều đảm bảo lợi ích của đôi bên, để Dự án có thể triển khai đúng hạn.

Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, dự án này dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018, nhưng sau đó phải ngừng thi công và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6/2019 do nhiều vướng mắc liên quan việc tái cấp vốn. Tái khởi động vào tháng 2/2019, chủ đầu tư cam kết hoàn thành Dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quý I/2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2019. Tuy nhiên, do mặt bằng sạch không được bàn giao đúng hạn trước ngày 30/6/2019, nên buộc Dự án phải lùi đích tới tháng 10/2020.

Tổng vốn đầu tư của Dự án không được tăng, nhưng chi phí nhân công, vật tư… tất yếu tăng vọt theo thời gian chậm trễ của tiến độ. Vậy, ai sẽ bù đắp cho nhà đầu tư, bù đắp bằng cách nào theo cơ chế đã quy định?

Trong khi đó, từ năm 2016, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết cho phép chuyển đổi các dự án từ đầu tư công bằng vốn ngân sách sang hình thức PPP nếu mời gọi được đối tác. Ông Võ Văn Hoan cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù các quy định pháp lý đã đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện dự án PPP không dễ dàng, vì từng khâu trong các quy định/giai đoạn đều đang tồn tại những lỗ hổng pháp lý cần khắc phục.

Nhiều sở, ngành bác đề xuất “không hết ngập, không lấy tiền”

Vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM báo cáo UBND TP.HCM tổng hợp ý kiến của các cơ quan về đề xuất chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá, đường Phan Huy Ích và kênh Tham Lương bằng đập sà lan di động chở máy bơm công suất lớn của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) theo hình thức thuê dịch vụ trọn gói với cam kết “không hết ngập, không lấy tiền”.

Theo đó, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông - Vận tải… đều cho rằng, giải pháp này có thể gây xung đột với các vấn đề khác như giao thông thủy, sạt lở, môi trường. Việc sử dụng hệ thống sà lan di động lắp đặt bơm công suất lớn tại điểm đầu và điểm cuối kênh Tham Lương khiến các phương tiện thủy không thể lưu thông trên tuyến; việc ngăn chặn dòng chảy, sử dụng bơm về 1 hướng gây chuyển hướng dòng chảy, trong khi chưa xác định rõ hướng tiêu thoát nước cũng như khảo sát cao độ địa hình của khu vực gây ảnh hưởng đến các dự án chống ngập khác đang triển khai thực hiện, trong khi kênh Tham Lương là trục tiêu thoát nước chính của phía Bắc TP.HCM, đảm nhiệm tiêu thoát nước cho 6 quận, huyện (Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh).

Hơn nữa, Công ty Quang Trung là doanh nghiệp được TP.HCM thuê 14,2 tỷ đồng/năm đầu tư máy bơm chống ngập công suất lớn để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng đến nay, đường Nguyễn Hữu Cảnh mới chỉ giảm ngập, chứ không hết ngập.

(Còn tiếp)

Kỳ họp 17 HĐND TP.HCM: Nóng chuyện ngập lụt, vi phạm trật tự xây dựng
Sáng 7/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX đã chính thức khai mạc nhằm đánh giá lại tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2019 và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư