Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phòng chống ngập lụt ở TP.HCM: Đầu tư từ đâu? - Bài 1: TP.HCM mùa... nước nổi
Ngô Nguyên - Việt Dũng - 07/07/2020 16:01
 
Hơn 5.400 tỷ đồng ngân sách đã được chi cho 44 dự án chống ngập tại TP.HCM trong 4 năm qua, nhưng “đến hẹn lại lên”, người dân Thành phố vẫn khốn khổ vì ngập lụt.

Đã đến lúc, TP.HCM phải xem xét lại và quyết liệt thực hiện các giải pháp chống ngập.

Trong không ít trường hợp, việc xây dựng công trình, nâng nền đường ở TP.HCM đã khiến nhiều tuyến phố trở thành điểm chứa nước mỗi khi trời mưa hay triều cường. Ảnh: Lê Toàn
Trong không ít trường hợp, việc xây dựng công trình, nâng nền đường ở TP.HCM đã khiến nhiều tuyến phố trở thành điểm chứa nước mỗi khi trời mưa hay triều cường. Ảnh: Lê Toàn

Bài 1: TP.HCM mùa... nước nổi

Mùa này, hình ảnh những con đường tại TP.HCM bỗng nhiên biến thành sông đã không còn xa lạ. Cứ mưa hoặc triều cường là đường sá lại ngập sâu, khiến cuộc sống, công việc kinh doanh của người dân bị đảo lộn.

Khi dân Sài thành sống chung với lũ

“Mùa nước nổi” hay “sống chung với lũ” là những cụm từ quen thuộc với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nay đã trở thành câu cửa miệng của người dân Sài thành mỗi khi mùa mưa về (mùa mưa ở miền Nam thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11)

Nhìn cơn mưa xối xả và con đường cuồn cuộn nước, ông Phú (60 tuổi, ngụ tại kênh Lò Gốm, đường Mễ Cốc, phường 15, quận 8) cho hay, người dân ở đây đã quen với cảnh ngập lụt và coi đó là chuyện “cơm bữa”. Cũng vì vậy, dọc con đường men theo kênh Lò Gốm này, lúc nào cũng có những bao cát đã được đóng sẵn, xếp gọn gàng trước cửa của một số gia đình, sẵn sàng ứng phó những đợt ngập sắp tới.

“Hơn nửa đời người sống ở khu vực này rồi, nên tôi chẳng lạ gì. Trước kia, khi chưa nâng đường và xây dựng bờ kè, thì chuyện sáng đi làm, tối về đã thấy nước ngập đến thành giường là bình thường. Giờ, nhà nào cũng làm cốt nền cao lên, nếu không nâng được nữa thì sẽ làm bờ bằng gạch. Hơn nữa, lúc nào trong nhà cũng phải có chiếc máy bơm, phòng khi nước lớn tràn vào nhà, thì sẽ dùng để bơm ra ngoài”, ông Phú nói.

Không chỉ nhà ông Phú, mà hầu như nhà nào trong khu phố cũng bị nước “ghé thăm”, nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là những hộ kinh doanh ở mặt đường.

Sau một lần ngập, các loại vật liệu như xi măng, bột bả, thước cuộn, máy khoan, cắt... tại cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình chị Huỳnh Thị Thảo nằm ngay gần chân cầu Kênh Ngang số 3 (phường 15, quận 8) bỗng trở thành phế liệu. Ước tính, số tiền bị thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

“Tôi về đây kinh doanh đã hơn 20 năm. Mỗi khi trời mưa lớn, cộng thêm triều cường, thì nước dâng rất nhanh, hàng quán, đồ đạc trong nhà bị ngập hết. Thậm chí, có lần, gia đình thôi còn phải cho bọn trẻ nghỉ học 3 ngày vì ngập quá, không di chuyển được”, chị Huỳnh Thảo nói. Sau đó, chị dẫn chúng tôi vào trong nhà, chỉ tay vào ổ điện ngay gần chân tường đã được tháo bung và cho biết, gia đình phải di chuyển vị trí ổ điện lên cao vì sợ nước tràn vào sẽ rất nguy hiểm.

Nói đến ngập lụt do triều cường hay mưa lớn tại TP.HCM, không thể không nhắc tới những tuyến đường như Trần Xuân Soạn (quận 7), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Tôn Thất Thuyết (quận 4)... Đây được coi là những “điểm đen”, vì thường xuyên chìm trong “biển nước”.

Đặc biệt, khu Thảo Điền (quận 2) được mệnh danh là “khu nhà giàu” của TP.HCM, nhưng cũng thường xuyên phải chịu cảnh ngập nước.

Một “khu phố nhà giàu” nữa cũng sống khổ vì ngập là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Nơi đây tập trung nhiều dự án căn hộ cao cấp, nhưng lại là điểm nóng ngập lụt.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh có khá nhiều cửa hàng bán nội thất cao cấp, dụng cụ đánh golf, sàn giao dịch bất động sản…, nhưng việc kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng, bởi tuyến đường này thường xuyên biến thành… sông.

Anh An, chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, các chủ cửa hàng ở khu vực này đã quá quen với cảnh ngập nước. Người dân cũng không lấy làm lạ khi thấy cảnh người đi đường cố gắng lội nước, hay hàng dài xe mô-tô chết máy nối đuôi nhau đẩy bộ.

“Cuộc rượt đuổi” chưa có hồi kết

Để khắc phục tình trạng ngập lụt, thời gian qua, TP.HCM đã chi kinh phí rất lớn để nâng cấp nhiều tuyến đường, nhưng tình hình chưa mấy cải thiện.

Tại “rốn ngập” ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, dù đã bố trí máy bơm công suất lớn, nâng đường lên khá cao, nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Đáng nói hơn, nhiều tuyến đường được mở rộng, nâng cấp, lắp đặt ống thoát nước khẩu độ lớn, nhưng mưa xuống vẫn ngập tứ bề, thậm chí nước rút còn chậm hơn lúc chưa làm đường, trong đó, có đường Nguyễn Văn Quá (quận 12).

Thêm một trường hợp khác, đó là đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), đã được Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM thực hiện cải tạo, nâng cấp thêm 20 - 30 cm vào tháng 3/2018 với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Kết quả ra sao? “Con đường này đã được nâng lên, nhưng cứ triều cường hay mưa lớn là nước lại ngập đường, rồi tràn vào nhà. Đồ đạc lúc nào cũng phải kê cao để hạn chế thiệt hại”, anh Tuấn, một hộ dân tại đường Huỳnh Tấn Phát nói. Anh còn ví von, từ khi tuyến đường này được đầu tư nâng nền, nhà dân ở đây đều trở thành “điểm chứa nước” mỗi khi trời mưa hay triều cường, vì nền nhà thấp hơn mặt đường, có nơi gần nửa mét.

Mới đây, cũng tại con đường này, TP.HCM lại tiếp tục khởi công Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh (khoảng 5 km) với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng nhằm chống ngập nước trên tuyến đường này. Dự kiến, Dự án hoàn thành vào đầu mùa mưa năm 2021.

Trước đó, tháng 9/2018. TP.HCM đầu tư xây dựng đường Liên Phường (quận 9) với số vốn hơn 303 tỷ đồng, mục tiêu là mở rộng và chống ngập. Hiện tại, dự án này đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, nhưng chỉ cần một cơn mưa vừa, đường Liên Phường, đoạn giáp đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) lại thành… ao nước, khiến người dân vô cùng khốn khổ. Nguyên nhân được xác định là còn vướng mặt bằng 2 đoạn (đoạn đầu đường Đỗ Xuân Hợp và giáp đường Bưng Ông Thoàn do trùng ranh, chưa thể tiếp tục thi công). Đó là chưa nói, đoạn được nâng cấp không ngập, nhưng lại gây lụt lội cho các đoạn đường nối với nó.

Tại quận 6, đường Kinh Dương Vương sau khi được đầu tư hơn 800 tỷ đồng để nâng lên, đã không còn ngập như trước. Thay vào đó, nước lại chảy vào các con hẻm xung quanh. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền lại tiếp tục nâng một số hẻm để chống ngập. Kết quả là, đường cũng chưa hết ngập, còn nhiều hộ dân thì “tiến thoái lưỡng nan”, sống trong cảnh “nhà như hầm”.

Để không bị nước tràn vào nhà, nhiều gia đình chấp nhận tốn kém để nâng nền nhà lên cho bằng hoặc cao hơn mặt đường. Thế nhưng, đường không chỉ được nâng một lần. Nền nhà vừa nâng lên được một thời gian, thì đường lại được nâng cao hơn nữa. Đã có không ít trường hợp, sau nhiều lần nâng cấp, nền nhà gần chạm nóc, không thể nâng tiếp được nữa, nên đành phải xây thêm tầng.

Ông Thiêm, chủ một căn nhà trong hẻm 97 (đường Kinh Dương Vương) tâm sự, “cuộc rượt đuổi” nâng đường để chống ngập - nâng nền nhà để bằng đường giống như câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh vậy, không biết đến bao giờ mới có hồi kết. Đành rằng, đường ngập thì phải nâng lên, nhưng người dân thì không phải ai cũng đủ tiền, đủ điều kiện để cứ lâu lâu lại phải nâng nền nhà. Do đó, rất nhiều người đành chấp nhận sống chung với ngập.

Lỗi tại… mưa lớn

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM có 3 trận mưa lớn trên diện rộng, trong đó, có trận mưa với vũ lượng hơn 112 mm, diễn ra trong vòng chưa đầy 2 giờ, vượt tần suất thiết kế, gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Vì vậy, khi xảy ra mưa lớn với vũ lượng nói trên, một số tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh); Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (quận 2); Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức); Nguyễn Văn Quá, Lê Văn Lương (quận 12); Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)… sẽ ngập 0,1 - 0,3 m.

Từ đầu mùa mưa đến nay, toàn TP.HCM có 22 tuyến đường bị ngập, sau khi mưa tạnh, nước rút khá nhanh. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tình hình trên cho thấy, công tác chống ngập của Thành phố đã có hiệu quả bước đầu, bởi nếu so với thời kỳ năm 2008, khi lượng mưa 112 mm, có đến 126 tuyến đường ngập nặng và phải mất 4 - 5 giờ mới hết ngập nước.

Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân.

Đến nay, TP.HCM đã giải quyết ngập ở 25/36 tuyến đường trục chính, đạt gần 70% chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Đối với các tuyến hẻm, các quận - huyện, đã hoàn thành 179/179 tuyến hẻm ngập, đạt 100% so với chỉ tiêu. Ngoài ra, Thành phố đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước chính.

Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều, dự kiến đến cuối năm 2020, Thành phố sẽ xóa ngập ở 9/9 tuyến đường (Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10, Đường 26 và quốc lộ 50), đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

(Còn tiếp)

Hà Nội sẽ nâng cấp phần mềm cảnh báo điểm ngập lụt, gợi ý chỉ đường cho người dân
Chiều 13/8, tại Hội nghị Giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin về tình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư