Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 10 tháng 11 năm 2024,
Phong hàm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn: “Tấm vé thông hành đặc biệt” để Quảng Ninh cất cánh
Thu Lê - 17/03/2018 16:09
 
Sáng nay (17/3), Bộ Giao thông - Vận tải công bố Quyết định số 497/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Như vậy, Cảng hàng không Quảng Ninh chính thức được đổi tên thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Trong điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, xác định Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong 10 Cảng hàng không quốc tế của mạng lưới Cảng hàng không dân dụng cả nước. Đây đồng thời cũng là sân bay quân sự trong hướng chiến lược miền Bắc của mạng sân bay quân sự toàn quốc.

Theo quy hoạch, sân bay của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT trao Hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trao Hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan.

Về quy mô của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được điều chỉnh và đã được phê duyệt theo quyết định số 497/QĐ-BGTVT, giai đoạn đến năm 2020, khu bay sẽ điều chỉnh giãn tiến độ thực xây dựng toàn bộ đường lăn song song giai đoạn đến năm 2020 sang giai đoạn 2020-2030. Như vậy giai đoạn đến năm 2020 chỉ tiến hành đầu tư một phần đoạn đường lăn song song với kích thước dài 910 m, rộng 23 m; kéo dài đường cất hạ cánh từ 3.000 m lên 3.600 m; xây dựng bổ sung 2 sân bay quay đầu tại đầu đường cất hạ cánh; xây dựng 1 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ tàu bay, 1 đường thoát nhanh để nối đường cất hạ cánh vào đoạn đường lăn song song.

Đối với khu phục vụ măt đất, thì công trình nhà ga hành khách được điều chỉnh thành 2 modul độc lập và sẽ tiến hành xây dựng ngay nhà ga số 1 với công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm. Điều chỉnh nhà ga hành khách nội địa có đón chuyến bay quốc tế thành nhà ga hành khách quốc tế… Sân đỗ máy bay đạt tối thiểu 06 vị trí đỗ và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu.

Còn trong giai đoạn từ năm 2020 – 2030 sẽ tiếp tục hoàn chỉnh xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối theo quy hoạch và khu vực kéo dài; hoàn chỉnh đơn nguyên còn lại của nhà ga hành khách với quy mô đáp ứng 2,5 triệu hành khách/năm và đạt tổng công suất cả hai nhà ga là 5 triệu hành khách/năm. Nhà ga mới này sẽ là nhà ga nội địa. Sân đỗ máy bay khi này phải đảm bảo đạt tối thiểu 12 vị trí đỗ.

Dự kiến đến 7/2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ được vận hành bay thử và đến tháng 8/2018 sẽ đưa vào vận hành thương mại. Từ thời điểm đó đến năm 2020, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ thiết lập mạng đường bay nội địa kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước là Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Phú Quốc…

Đối với mạng đường bay quốc tế thì có thể đón được các chuyến bay đến từ khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia…

Giai đoạn đến năm 2030 tiếp tục tăng cường mạng đường bay nội địa, mở mới các tuyến bay liên vùng nối Quảng Ninh với Đà Lạt, Cần Thơ, Pleiku, Điện Biên… và đồng thời tăng cường tần suất và tải cung ứng trên các đường bay nội vùng. Đặc biệt, trong giai đoạn này sẽ mở mới các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã dẫn đến sự điều chỉnh lớn về quy mô vốn và phân kỳ đầu tư của dự án. Theo đó, tổng vốn tăng từ 7.500 tỷ đồng lên hơn 12.215 tỷ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 là hơn 6.303 tỷ đồng, từ năm 2020 – 2025 là hơn 1.501 tỷ đồng và giai đoạn còn lại đến năm 2030 là hơn 4.413 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đã nhấn mạnh việc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo mô hình hợp tác công tư  – hình thức hợp đồng BOT và do tư nhân vận hành. Do đó, có rất nhiều vấn đề cần đặc biệt cần quan tâm, trong đó, các vấn đề kinh nghiệm trong việc vận hành, điều hành, mở và khai thác các đường, tuyến bay là rất quan trọng.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Ccủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, sự kiện công bố quyết định của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn giai đoạn 2020 và định hướng đến 2030 được ví như “tấm vé thông hành đặc biệt” để Quảng Ninh cất cánh trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế thông qua mô hình Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong thời gian tới.

Ông Thành cũng khẳng định, Quảng Ninh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ để thực hiện công tác công bố, quản lý quy hoạch, đất đai và xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt để đưa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sớm đưa vào khai thác.

Lý do điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn:

- Ban đầu, Cảng hàng không Quảng Ninh được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 từ ngày 16/3/2012 là Cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế. Dự án được khởi công từ tháng 9/2015 thiết kế đường băng dài 3 km, rộng 45 m, lề vật liệu rộng 7,5 m, dải hãm phanh 2 đầu kích thước 100 m x60 m, đảm bảo khai thác loại máy bay Code E như B777, B767, B747. Tuy nhiên, các máy bay này đều phải tính toán giảm tải để đảm bảo khai thác với chiều dài đường cất hạ cánh ban đầu là 3.000 m. Hệ thống đường dẫn, sân đỗ đón khách tối thiểu được 4 máy bay, nhà điều hành, nhà ga hành khách và hàng hoá có công suất tiếp nhận được 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm…

- Tuy nhiên, việc Khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai trở thành Khu hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung. Khi đó, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa đến Vân Đồn là rất lớn. Nhưng với loại máy bay được sử dụng thường xuyên để vận chuyển hàng hóa đi và đến các Cảng hàng không Việt Nam như hiện nay là B747-400 Freighter thì cần chiều dài đường cất hạ cánh là 3.600 m. 

- Hiện Cảng hàng không Quảng Ninh lại đang trong giai đoạn xây dựng nên việc xây dựng thêm 600 m đường cất hạ cánh là thuận lợi lớn vì không phải đóng cửa tạm thời sân bay, không gây gián đoạn hoạt động cũng như ảnh hưởng đến khai thác của toàn cảng hàng không sau khi được đưa vào sử dụng.

Như vậy, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh là Cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế đã không còn phù hợp. Và ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg. Theo đó, Cảng hàng không Quảng Ninh đã được đổi tên thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư