Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, loạt cổ phiếu liên quan “nằm sàn”
Thanh Thuỷ - 12/01/2022 10:09
 
"Nước đi" bán không thông báo cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết gây ra hiệu ứng domino, tháo chạy khỏi FLC và các cổ phiếu liên quan. Nhóm này đã tăng rất nóng ba tháng gần đây.

Áp dụng ngay biện pháp phong toả tài khoản ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1

Thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết đã huỷ bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC, nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Hoạt động bán không thông báo phiên 10/1 với một lượng lớn cổ phiếu vừa đi qua giai đoạn tăng nóng như FLC đã gây chấn động thị trường. Cơ quan quản lý đã có hàng loạt động thái vào cuộc.

Chiều tối ngày 10/01/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về vi phạm này. Trong thông báo công bố phát đi sáng 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.

Trước đó, ngay trong ngày 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có biện pháp quyết liệt khi ra quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1, cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.

Việc phong toả tài khoản chứng khoán không phải chưa từng có tiền lệ, đồng thời, đây cũng là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 306 Nghị định 155/2020.

Cụ thể, biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng trong trường hợp khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán; khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; hoặc theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Hơn chục năm trước, liên quan đến vụ án thao túng giá chứng khoán của Lê Văn Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Viễn Đông - DVD) và những người liên quan, cơ quan quản lý cũng đã thực hiện biện pháp phỏng toả tài khoản phục vụ cho giai đoạn điều tra. Thời điểm đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác định dấu hiệu ông Dũng cùng một số người khác có hành vi thao túng cổ phiếu DVD và đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh Điều tra làm rõ.

Lực bán lớn bất ngờ từ ông Trịnh Văn Quyết trong phiên giao dịch 10/1 ngoài vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán còn trực tiếp khiến giá cổ phiếu FLC quay ngoắt 180 độ, từ trạng thái tích cực xác lập đỉnh giá mới (24.100 đồng/cổ phiếu) chuyển sang tình trạng “trắng bên mua”, giảm kịch sàn ở thời điểm kết phiên.

Loạt cổ phiếu liên quan “sàn” la liệt

Chưa dừng ở đó, cú rơi sâu của cổ phiếu FLC trở thành hòn tuyết lăn kéo theo cơn bán tháo FLC cùng hàng loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết. Cổ phiếu FLC giao dịch phần lớn ở mức giá sàn trong phiên 11/1 dù đóng cửa chỉ giảm hơn 6%. Khối lượng giao dịch tiếp tục xác lập kỷ lục mới, thậm chí còn lớn hơn phiên 10/1. Đã có gần 155 triệu cổ phiếu FLC được chuyển nhượng, tương đương gần 22% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Với việc đã phong toả tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết ngay từ 11/1, chắc chắn bên bán không phải từ cá nhân này. Hiệu ứng domino kéo theo cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu này.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với cổ phiếu ROS, HAI, KLF, AMD, ART, GAB - nhóm công ty liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết. Trừ GAB trước nay không có mấy tính thanh khoản, các cổ phiếu khác đều đang giảm kịch sàn và ghi nhận khối lượng giao dịch tăng vọt. Trước đó, đa phần nhóm này đều vừa trải qua giai đoạn tăng nóng từ tháng 11/2021.

Giá cổ phiếu ROS sau 3 tháng đã tăng từ 6.000 đồng/cổ phiếu lên 16.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1. HAI, KLF, AMD tăng gấp đôi, có thời điểm giao dịch quanh mệnh giá. Cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS tăng từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 18.000 đồng/cổ phiếu trong 3 tháng và hiện đang giao dịch ở mức 13.700 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

,
Cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục giảm kịch sàn sáng 12/1.

Giá trị tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết cũng đang “bốc hơi” nhanh sau nước đi bán bán không thông báo cổ phiếu FLC hai ngày trước. Thống kê trên tài sản đứng tên của ông Trịnh Văn Quyết, cá nhân này đang sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, 23,7 triệu cổ phiếu ROS, hơn 7 triệu cổ phiếu GAB và 3,16 triệu cổ phiếu ART, giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng.

Chứng khoán đỏ lửa, hơn 43% lượng cổ phiếu FLC đang chờ về tài khoản
Sau phiên lao dốc đầu tuần, thị trường vẫn chưa “cầm máu”. Ngưỡng 1.500 điểm bị xuyên thủng khi VN-Index giảm hơn 11 điểm. Cổ phiếu FLC...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư