Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phong tỏa tài sản của Thiên Thanh, nhà đầu tư ngồi trên đống lửa
Thế Hải - 05/09/2014 14:52
 
Các nhà đầu tư đã từng góp vốn vào các dự án của Tập đoàn Thiên Thanh lo lắng khi khối tài sản lớn của Tập đoàn Thiên Thanh bị phong tỏa.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản của Thiên Thanh
Số phận các dự án ngưng trệ của Tập đoàn Thiên Thanh
Số phận dự án 750 triệu USD của Tập đoàn Thiên Thanh tại Đà Nẵng

Toàn bộ số dự án “khủng” với số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Thiên Thanh Group) tại các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã bị cơ quan chức năng đồng loạt phong tỏa.

Theo đó, tài sản gồm đất đai, công trình, cổ phần… đã được cơ quan điều tra kê biên có liên quan đến Tập đoàn này đều không được phép chuyển nhượng cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan thẩm quyền.

  phong tỏa tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh  
  Phối cảnh Dự án 500 triệu USD tại TP.Hồ Chí Minh  

Như vậy, chỉ sau một tháng rưỡi, kể từ khi nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh; Tổng giám đốc Phan Thành Mai, nguyên thành viên HĐQT, phụ trách tài chính Mai Hữu Khương bị bắt, thời điểm này, số phận các dự án của Thiên Thanh gần như đã có câu trả lời.

Không chỉ nổi tiếng do sở hữu khối tài sản khổng lồ, như làm chủ Khu đất trụ sở của Tập đoàn tại số 302 Tô Hiến Thành; khu đất 31 Sư Vạn Hạnh, TP.HCM (diện tích, ước tính trị giá); khu đất Sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Chinh (Đà Nẵng)…, Tập đoàn này còn là chủ đầu tư hàng chục dự án bất động sản lớn với số vốn đầu tư hàng tỷ USD ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Chỉ riêng tại Đà Nẵng, Thiên Thanh có 3 dự án lớn, trong đó Khu phức hợp thương mại dịch vụ trên nền SVĐ Chi Lăng với tổng đầu tư 750 triệu USD; Khách sạn Green Plaza, được Thiên Thanh mua lại với giá khoảng 350 tỷ đồng từ năm 2009 và Dự án xây dựng khu thương mại tại khu đất số 209 Trường Chinh  có diện tích 2,2 ha.

Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Thiên Thanh là chủ sở hữu Dự án Tổ hợp Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Thiên Thanh tọa lạc tại thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh và 794.900 cổ phiếu tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và du lịch IDICO.

Tại TP.Hồ Chí Minh, Tập đoàn Thiên Thanh dự định đầu tư một loạt dự án lớn tại khu đất vàng. Điển hình là Dự án đầu tư Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng – nội thất với tổng vốn lên tới 500 triệu USD tại ngay khu đất Tập đoàn sở hữu gồm  4 mặt tiền (Tô Hiến Thành, Đồng Nai, Tam Đảo và Thành Thái), dự kiến có quy mô xây dựng gần 500.000m2.

Chính ông Đỗ Văn Quất, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh cũng thừa nhận, hoạt động của Tập đoàn bị ảnh hưởng lớn từ vụ việc này.

Những sai phạm của những người liên quan trong Tập đoàn Thiên Thanh tới đâu, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm làm rõ, song những hệ lụy, ảnh hưởng từ vụ việc này là vô cùng lớn. Trước hết, toàn bộ dự án nằm trong kế hoạch đầu tư triển khai chưa biết đến khi nào mới khởi động được.

Có thể thấy, các dự án mà Tập đoàn này dự định  đầu tư sẽ khó mà triển khai như kế hoạch ban đầu. Chưa kể, các dự án đang trong thời gian đầu tư, nhiều khả năng sẽ bị dở dang.

Quá trình điều tra đối với những người có liên quan tại Tập đoàn Thiên Thanh không thể kết thúc sớm trong ngày một ngày hai, và điều đó cũng có nghĩa, hệ lụy xấu từ vụ việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các cổ đông liên quan đã góp vốn cùng Thiên Thanh để thực hiện các dự án tại nhiều tỉnh, thành phố.

Việc khối tài sản khổng lồ và các đại dự án của Thiên Thanh bị đưa vào diện phong tỏa, và phải chờ đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhiều địa phương đã từng kỳ vọng về sự đổi thay của vùng đất, nơi Thiên Thanh thực hiện dự án đối mặt  với khả năng sẽ biến thành dự án treo.

Bởi, đối với các dự án của Thiên Thanh đã được cấp phép đầu tư, nhưng nếu chậm triển khai, thì theo quy định hiện hành tại Điều 64 Luật Đất đai sửa đổi thì quá hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ, sau khi được gia hạn sử dụng mà vẫn không thực hiện sẽ bị Nhà nước thu hồi.

Trong hoàn cảnh của Tập đoàn Thiên Thanh hiện tại cùng những dự án dở dang cả trên giấy lẫn thực tế thì nguy cơ bị thu hồi là không hề nhỏ.

Đơn cử là Dự án Khu phức hợp TM-DV Thiên Thanh Đà Nẵng, có tổng vốn đầu tư 750 triệu USD, đã thực hiện di dời và giải tỏa 70 hộ dân, doanh nghiệp đang buôn bán, kinh doanh … để bố trí tái định cư. Tuy nhiên, dự án cũng mới chỉ khởi động tới đó rồi dừng lại, và tương lai nào cho dự án này vẫn rất mờ mịt.

Dễ hình dung nữa là Dự án Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng – nội thất với số vốn đầu tư “khủng” 500 triệu USD thì không sớm để kết luận sẽ lâm vào tình trạng “bất khả thi” bởi khi chủ đầu tư đứng ra huy động đối tác cùng bỏ vốn đầu tư, có doanh nghiệp nào dám bỏ vốn cùng Thiên Thanh.

Trước đó, Tập đoàn này xác nhận, việc đầu tư Dự án 500 triệu USD này là dựa trên danh sách doanh nghiệp đối tác ký kết thỏa thuận cùng đồng hành, bỏ vốn đầu tư - một trong những yếu tố tạo nên tính khả thi và độ thành công cao của dự án, Thiên Thanh mới quyết tâm đầu tư và kêu gọi các doanh nghiệp, đối tác cùng liên kết thực hiện.

Tại thời điểm tháng 4/2014, Thiên Thanh cho biết đã có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đang thuê mặt bằng của Tập đoàn Thiên Thanh như Taca, Bạch Mã, Công ty TNHH MTV Vân Đạt… cam kết góp vốn cùng Tập đoàn triển khai dự án và thuê mặt bằng trong dài hạn khi Dự án đi vào vận hành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư