Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Phù nề toàn thân do uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc
D.Ngân - 17/07/2024 16:03
 
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết cơ sở vừa tiếp nhận một người đàn ông bị phù nề toàn thân do uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và điều trị cho một người bệnh bị phù nề toàn thân sau khi uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Người bệnh đang điều trị, đặc biệt là các loại ung thư có diễn tiến nhanh, nên tuyệt đối tuân thủ phác đồ, không ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh P. (30 tuổi) ở Sơn Dương, Tuyên Quang vào viện trong tình trạng phù toàn thân, mệt mỏi, ăn uống kém, tiểu ít.

Qua khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết đã phát hiện mắc hội chứng thận hư từ cuối năm 2023 và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị.

Tuy nhiên, từ tháng 2/2024, người bệnh tự bỏ thuốc và mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc về uống. Đến khi cơ thể có những dấu hiệu bất ổn người bệnh mới quay lại Bệnh viện để thăm khám.

Tại Trung tâm Thận - Lọc máu, người bệnh đã được chỉ định làm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết.

Kết quả cho thấy tình trạng bệnh nặng lên nhiều: các chỉ số xét nghiệm Protein toàn phần giảm nhiều 48 g/l; Albumin giảm nhiều 15,6 g/l; Protein niệu tăng cao >= 10g/l; định lượng Protein niệu 24h là 54,8g/24h. Bên cạnh đó, người bệnh còn có tình trạng tràn dịch đa màng (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng) mức độ nhiều.

Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định điều trị theo hướng truyền Albumin và điều trị nâng cao thể trạng, triệu chứng cho người bệnh. Sau quá trình điều trị, tình trạng của người bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, người bệnh đỡ phù nề, mệt mỏi, có thể đi tiểu nhiều hơn.

BSCKI. Nguyễn Thị Viên, Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, dù các bác sĩ đã nhiều lần đưa ra những khuyến cáo về việc người bệnh tự ý bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị, tự ý sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc, theo truyền miệng,… dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng tình trạng này vẫn tái diễn khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí.

Với những trường hợp mắc hội chứng thận hư nhưng tự ý bỏ thuốc như người bệnh sẽ có nguy cơ mắc những biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng, tắc mạch do huyết khối, suy thận… khiến cho việc điều trị sẽ khó hơn những người bệnh thông thường. Tùy vào thể trạng và tình trạng cụ thể của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Qua đây, BSCKI. Nguyễn Thị Viên cũng khuyến cáo người mắc hội chứng thận hư nói riêng và người bệnh nói chung nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tự ý dùng các loại thuốc Nam, thuốc lá theo truyền miệng không rõ nguồn gốc… để tránh nguy cơ bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho những lần điều trị tiếp theo.

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng nặng do uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Đơn cử như bé Mơ (13 tuổi, Bắc Giang) có biểu hiện mỏi tay nhiều vùng vai phải, cảm giác đau nhức vào cuối năm 2023. Sau đó bệnh nhi xuất hiện khối u to vùng vai phải.

Gia đình đưa bệnh nhi đi khám nhiều nơi, phát hiện mắc Sarcoma xương. Mơ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định điều trị hóa chất.

Tuy nhiên do cơ thể chưa đáp ứng ngay với thuốc, người nhà đã đưa em về tự điều trị bằng thuốc nam. Bệnh nhi uống bồ công anh, xạ đen cùng 20 loại thảo dược khác. Mỗi ngày người nhà sắc thuốc thành 3 bát nhỏ, mỗi bát 200ml cho Mơ uống.

Đầu tháng 5, Mơ tới khám tại bệnh viện trong tình trạng khối u lớn, kích thước 26 x 30 cm. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị tổn thương phá hủy vỏ xương, thâm nhiễm xương đòn và xương bả vai phải bé, bề mặt có dấu hiệu chảy dịch. Khối u to, chèn ép khiến bé không thể sinh hoạt bình thường. Bác sĩ đánh giá tình trạng của bệnh nhi rất phức tạp, điều trị khó khăn, tốn kém.

Tương tự, ông Đức, 46 tuổi, Hà Nội khi phát hiện ung thư giai đoạn sớm, bác sĩ đánh giá tiên lượng tốt, khả năng phục hồi sức khỏe khả quan, chỉ định phẫu thuật song gia đình từ chối do sợ “đụng dao kéo”.

Ông Đức về nhà ăn chay và chữa bằng thuốc nam do thầy lang kê đơn. Thang thuốc gồm xạ đen, đẳng sâm rừng, xương khỉ và một số thành phần khác.

Mỗi ngày người nhà đun khoảng 100 g thuốc (10 g cùng 150 ml nước một lần) cho ông Đức uống thay nước. Theo người nhà, thầy lang khẳng định thuốc có tác dụng “tăng cường khí huyết, hấp thụ tốt hơn, tiêu diệt tế bào ung thư”. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi ông Đức đi khám, tế bào ung thư xâm lấn lan rộng, ung thư di căn đến phổi, tiên lượng bệnh rất xấu.

“Mục tiêu điều trị giai đoạn này chỉ là chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, cải thiện chất lượng sống”, tiến sĩ Khiêm nói.

Người bệnh ung thư gan giai đoạn đầu được phẫu thuật cắt bỏ hoặc ghép gan, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 60-70%. Nhưng ở giai đoạn muộn, khối u di căn xa đến các cơ quan khác, tiên lượng sống sau 5 năm còn 4%.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người bệnh ung thư được chẩn đoán ung thư nhưng bản thân người bệnh không tuân theo y lệnh, từ chối can thiệp, điều trị. Người bệnh tự điều trị bằng thuốc nam hay các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, quay trở lại bệnh viện thì đã mất cơ hội điều trị.

TS.Vũ Hữu Khiêm, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khuyến cáo người bệnh nên tin vào y học hiện đại.

Tuân thủ phác đồ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và giữ tâm lý thoải mái là phương pháp hiệu quả nhất giúp người bệnh ung thư điều trị tốt, cải thiện chất lượng và thời gian sống.

Người bệnh đang điều trị, đặc biệt là các loại ung thư có diễn tiến nhanh, nên tuyệt đối tuân thủ phác đồ, không ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp không đáp ứng thuốc đang điều trị, cần trao đổi lại với bác sĩ để tìm ra hướng điều trị phù hợp hơn. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Một số loại thuốc miễn dịch, điều trị đích chi phí cao, nhưng hiện có các chương trình tài trợ của hãng thuốc kết hợp với Bộ Y tế và bệnh viện hỗ trợ giúp người bệnh giảm gánh nặng tài chính.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư