Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phú Quốc từ huyện lên Thành phố
Nguyễn Lê - 09/12/2020 19:56
 
Thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc.
.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập Thành phố Phú Quốc  (Ảnh Quốc hội).

Tiếp tục phiên họp thứ 51, chiều 9/12 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập Thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

TP. Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã

Các phường thuộc thành phố Phú Quốc được thành lập, gồm: Phường Dương Đông (nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông) và phường An Thới (nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới).

Như vậy Thành phố Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm Phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.

Nghị quyết cũng quyết định thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2021.

Thẩm tra Đề án thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, Ủy ban Pháp luật  của Quốc hội đề nghị giải trình thêm một số nội dung. Một trong số đó là Huyện đảo Phú Quốc có tới 50,22% diện tích rừng và Vườn quốc gia Phú Quốc chiếm tổng cộng 61,5% diện tích, là nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức quan trọng của Phú Quốc và cả nước. Đồng thời, việc thành lập thành phố Phú Quốc, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút mạnh đầu tư sẽ có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến môi trường trên địa bàn.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị tỉnh Kiên Giang giải trình, làm rõ thêm mức độ ảnh hưởng của việc phát triển đô thị đến việc bảo tồn diện tích rừng và phương án, kế hoạch đầu tư xây dựng, sử dụng và bảo vệ diện tích rừng và Vườn quốc gia Phú Quốc cũng như có phương hướng, giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa đối với môi trường và định hướng phát triển bền vững, đồng bộ của huyện đảo.

Sắp xếp nhiều đơn vị hành chính khác

Trong phiên họp chiều 9/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Trong đó, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung được thành lập trên cơ sở toàn bộ 28,43 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 29.528 người của xã Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú.

Thị trấn Cô Tô được thành lập trên cơ sở toàn bộ 42,45 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.567 người của xã Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thị trấn Vĩnh Bình được thành lập trên cơ sở toàn bộ 37,44 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.762 người của xã Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí việc thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương trên cơ sở toàn bộ 28,93km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.879 người của xã Tân Bình thuộchuyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đối với thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập các phường: Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Thịnh, Quảng Tâm, Quảng Cát, Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Đông Tân, Đông Lĩnh, Long Anh.

Sau sắp xếp, Thành phố Thanh Hóa có 34 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 30 phường và 4 xã.

Đòi lại quyền khai thác cảng biển lớn nhất Phú Quốc
Rất ít cơ hội để Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển An Thới giữ quyền quản lý, khai thác cảng biển lớn nhất tại Phú Quốc khi đã để xảy ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư