Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 07 năm 2024,
Phú Yên lúng túng gỡ nút thắt tại Dự án cầu An Hải
Bảo Như - 28/07/2024 10:43
 
Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đang lúng túng trong việc xử lý vướng mắc kéo dài suốt 11 năm qua tại Dự án BOT cầu An Hải - công trình chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
Cầu An Hải đã được hoàn thành từ tháng 9/2013
Cầu An Hải đã được hoàn thành từ tháng 9/2013

Kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án BOT 

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Phú Yên vừa có Công văn số 165/BC-SKHĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo các khó khăn, vướng mắc tại Dự án BOT cầu An Hải.

Tại Công văn, lãnh đạo Sở KH&ĐT Phú Yên kiến nghị cấp có thẩm quyền thống nhất cho phép chấm dứt hoạt động Dự án BOT cầu An Hải và thanh toán cho nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; giá trị thanh toán, quyết toán công trình thực hiện theo quy định, không tính lợi nhuận nhà đầu tư, chi phí lãi vay.

Sở KH&ĐT Phú Yên cũng muốn Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho ý kiến hướng dẫn về trình tự, các thủ tục cần thiết để chấm dứt hoạt động Dự án, chủ trương đầu tư; phương pháp xác định chi phí, thủ tục thanh toán, thanh lý hợp đồng và quyết toán Dự án.

Dự án cầu An Hải là một hạng mục thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tuyến đường ven biển Độc Lập - Long Thủy - gành Đá Đĩa được UBND tỉnh Phú Yên quyết định đầu tư vào tháng 9/2004, điều chỉnh nội dung thực hiện đầu tư vào tháng 4/2007.

Theo phương án ban đầu, Dự án cầu An Hải do Sở GTVT Phú Yên làm chủ đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch. Tháng 8/2007, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán Dự án cầu An Hải đã được Sở GTVT Phú Yên phê duyệt.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, nên Dự án không thể triển khai như kế hoạch, khiến nhân dân qua khu vực này phải lưu thông qua cầu gỗ tạm do dân đầu tư và thường bị hư hỏng nặng qua mùa mưa lũ.

Đến tháng 10/2007, trên cơ sở đề nghị của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Sở KH&ĐT Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo và được UBND tỉnh Phú Yên thống nhất chủ trương giao Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình thực hiện đầu tư Dự án theo hình thức BOT.

Sau thời gian đàm phán, tháng 3/2008, Sở KH&ĐT Phú Yên (cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được UBND tỉnh Phú Yên ủy quyền) đã ký kết hợp đồng BOT với Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Theo hợp đồng, nhà đầu tư được quyền đặt trạm thu phí hoàn vốn tại đầu cầu An Hải với mức thu phí được thực hiện theo quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC; thời gian thu phí hoàn vốn là 30 năm.

Lúng túng vì chưa có quy định chi tiết

Dự án BOT cầu An Hải có quy mô đầu tư không lớn, chỉ khoảng 30 tỷ đồng, nhưng quá trình triển khai công trình này gặp rất nhiều khó khăn. Công trình không quá phức tạp về công nghệ, được triển khai từ tháng 3/2008, nhưng phải mất tới gần 5 năm mới có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng. Khó khăn nối tiếp khó khăn khi Dự án sau khi hoàn thành đã không thể tiến hành thu phí hoàn vốn như kế hoạch đề ra.

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên cho biết, cầu An Hải nằm trên trục giao thông ven biển nối liền các xã thuộc vùng kinh tế khó khăn, khu vực bãi ngang ven biển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đây cũng là tuyến đường độc đạo nối các xã trong khu vực. Thời gian trước, khi tỉnh chưa có nguồn lực để đầu tư, thì nhân dân phải làm cầu tạm bằng gỗ để qua lại. Do vậy, việc thu phí sẽ gây phản ứng trong nhân dân. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn có ý nghĩa  quan trọng về an ninh quốc phòng khu vực ven biển (được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Biển Đông - hải đảo), nên việc thực hiện theo hình thức BOT sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh trật tự trong khu vực.

Sau khi công trình hoàn thành (tháng 9/2013), thống kê thực tế lưu lượng phương tiện qua cầu và tính toán cho thấy, doanh thu bị âm và để có thể thu hồi vốn, thì ít nhất doanh thu trong tương lai phải tăng lên gấp 10 lần doanh thu hiện tại.

“Từ những nguyên nhân khách quan trên, nên sau khi Dự án hoàn thành, Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình đã không xây dựng trạm thu phí, không thực hiện thu phí; chỉ tiến hành bàn giao công trình cho tỉnh để quản lý, khai thác, sử dụng từ đó đến nay”, lãnh đạo Sở KH&ĐT Phú Yên chia sẻ.

Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh Phú Yên và nhà đầu tư đã nhiều lần làm việc, tập trung giải quyết để sớm thực hiện thủ tục quyết toán, thanh toán chi phí cho nhà đầu tư, trong đó thống nhất theo hướng chấm dứt hoạt động Dự án và thanh toán cho nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, khi rà soát và đối chiếu các quy định hiện hành, UBND tỉnh Phú Yên nhận thấy, đối với việc thực hiện chấm dứt hoạt động dự án và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn nhà nước, thì chưa có quy định chi tiết về trình tự, các thủ tục cần thực hiện, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên để làm cơ sở thực hiện chấm dứt hợp đồng, xác định giá trị, thanh toán, thanh lý hợp đồng và quyết toán dự án. Nội dung hợp đồng được ký kết cũng không có quy định cụ thể việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với trường hợp trên.

“Tỉnh Phú Yên đang lúng túng trong việc triển khai các bước tiếp theo đối với việc xử lý các vướng mắc tại Dự án BOT cầu An Hải, cần có hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành”, ông Võ Đình Tiến cho biết.

Chủ tịch tỉnh Phú Yên yêu cầu trả lời đúng và trúng câu hỏi của doanh nghiệp
Chủ tịch tỉnh Phú Yên yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thực sự là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư