Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Phục vụ nhân dân bằng hành động cụ thể
Hà Quang - 01/01/2015 18:02
 
() Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới các bộ trưởng, lãnh đạo các ngành, địa phương năm 2015 là đặc biệt quan tâm cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, tháo gỡ mọi rào cản để nhân dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giá dầu giảm tác động tích cực đến kinh tế 2014
FDI vào bất động sản 2014 gần gấp 3 lần so với 2013
Giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015

Sản xuất không phát triển, đừng nói việc khác

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đạt kết quả tích cực.

Phục vụ nhân dân bằng hành động cụ thể
Thủ tướn Chính phủ chỉ đạo năm 2015 là đặc biệt quan tâm cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh

Trước hết, phải khẳng định, chúng ta đã giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (13/14 chỉ tiêu) đặt ra trong năm 2014 đều đạt và vượt, trong đó nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 5,98%, lạm phát 1,84%, thấp nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, xuất siêu gần 2 tỷ USD...

Với đà thắng lợi đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, năm 2015 cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược.

“Nhiệm vụ của Nhà nước, của chính quyền các cấp là tạo mọi điều kiện thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, tháo gỡ mọi rào cản để nhân dân và doanh nghiệp làm ăn. Các đồng chí phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Phải phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp bằng hành động, việc làm cụ thể. Nếu kinh tế không phát triển thì lấy đâu để thu ngân sách, làm sao giải quyết được việc làm, làm gì để lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. 

Một vấn đề cũng được Thủ tướng đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2015 là quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, tiết kiệm chi, đặc biệt là chi thường xuyên; quản lý, sử dụng hiệu quả đầu tư công.

“Chúng ta còn nghèo như thế, đầu tư giảm như thế nhưng các đồng chí thấy việc đầu tư kém hiệu quả ở đâu cũng có, nơi có học sinh thì thiếu phòng học, nơi xây phòng học thì không có học trò, chợ xây xong không có người vào… Chúng ta kêu gọi tiết kiệm chi hành chính, hội nghị, tiếp khách… Năm 2014 đặc biệt mừng là chi cho các đoàn đi nước ngoài giảm. Chúng ta tiết kiệm chi, không dám mua cái ô tô nhưng có cái đoàn đi nước ngoài thì cũng thừa mua cái ô tô. Cái ô tô 7 – 8 trăm triệu. 1 đoàn các đồng chí đi 50 ngàn đô là bao nhiêu, tỷ bạc rồi!”, Thủ tướng nhắc nhở!

Làm tốt, cả xã hội đồng tình

Biểu dương các Bộ, ngành đã có những cải cách thiết thực kể trong năm 2014, Thủ tướng hoanh nghênh Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Hải quan… đã có bước chuyển, tiến bộ lớn.

“Bộ Tài chính chỉ ban hành 1 cái thông tư mới, sửa mấy thông tư cũ giảm được mấy trăm giờ nộp thuế một năm của doanh nghiệp. Đây là động lực kinh doanh mà chúng ta không cần phải đầu tư thêm tiền gì cả. Năm 2015, Bộ ngành nào, địa phương nào cũng phải rà soát, thủ tục nào vướng mắc, gây khó khăn phiền hà trong thẩm quyền của mình mình phải trực tiếp xử lý”, Thủ tướng dẫn chứng.

Thủ tướng cũng biểu dương ngành nông nghiệp năm 2014 với thành tích tăng thêm sản lượng tôm 120.000 tấn so với năm 2013.

“120.000 tấn tôm, giá trị xuất khẩu bằng 2,4 triệu tấn lúa, tại sao chúng ta không tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dân làm cái này. Trên diện tích đó, bà con làm được 120.000 tấn tôm, gấp 20 lần trồng lúa, tại sao chúng ta không cho chuyển đổi… Năm 2014, sở dĩ chúng ta thu hút được 21 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài hướng vào công nghệ cao tại các địa phương Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… Để có kết quả đó, Thủ tướng, các Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết mới được”, Thủ tướng nói.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt nhiệm vụ ngay từ đầu năm với tinh thần là phấn đấu, nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra cho năm 2015, góp phần  thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, đồng thời tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Cơ hội và thách thức đan xen.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Có thể khẳng định, năm 2014 là một năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp trong công tác điều hành tốt hơn của các ngành, các cấp, sự nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

Năm 2015, diễn biến kinh tế, chính trị trong khu vực và thế giới tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam với cả cơ hội và thách thức đan xen. Sự suy giảm đà tăng trưởng của một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, cùng với những căng thẳng địa chính trị tại một số nơi; nguy cơ tranh chấp biển, đảo trong khu vực... sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của kinh tế thế giới, tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, châu Âu; sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN... sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã và đang được triển khai quyết liệt với các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị điều hành và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất, tự tái cơ cấu đã ổn định và cải thiện.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản trị rủi ro, an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, phù hợp với tình hình thực tế và tiếp cận thông lệ quốc tế, như quy định về việc phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro, quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện tiêu chuẩn của Basel II, nhằm giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động lành mạnh và an toàn hơn.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đề án xử lý nợ xấu; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ngân hàng.

Thị trường sẽ có độ mở rất lớn.

Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương

Năm 2014, với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, thương mại cũng như hội nhập kinh tế quốc tế đều đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, tăng trưởng công nghiệp năm 2014 đạt 7,6%, mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, hàng tồn kho giảm xuống mức 10%... Năm 2014 cũng là lần đầu tiên xuất khẩu đạt và vượt ngưỡng 150 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007...

Năm 2015, chúng ta sẽ chính thức ký kết 3 hiệp định thương mại quan trọng với Liên minh Thuế quan, Liên minh châu Âu và Hàn Quốc, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lúc đó, khi thị trường sẽ có độ mở rất lớn, nếu chúng ta không đảm bảo được tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu, thì xuất khẩu có thể không tăng trưởng được như mong muốn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư