Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh
Anh Minh - 16/10/2024 15:49
 
Bộ GTVT được giao thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhu cầu vốn đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình đề xuất việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai do VEC đầu tư.
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai quy mô 2 làn xe do VEC đầu tư.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 7515/VPCP - CN gửi Bộ trưởng các bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát danh mục các dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường cao tốc quy mô phân kỳ (đang khai thác, đang đầu tư) đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải (trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe).

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình đề xuất việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ GTVT hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã dự kiến cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung để nâng cấp, mở rộng các dự án La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, sớm triển khai mở rộng đáp ứng nhu cầu; trong đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn trong tháng 10/2024.

Bộ GTVT cũng có trách nhiệm xem xét kiến nghị của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc triển khai đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC quản lý theo quy định pháp luật, báo cáo cấp thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền; hoàn thành trước ngày 30/10/2024.

Bộ Tài chính được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thống nhất, hoàn thiện nội dung báo cáo, đề xuất việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó bổ sung nhu cầu vốn đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.  

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Bộ GTVT và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nêu trên”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để đầu tư các Dự án hạ tầng giao thông.

Trong đó, giao Bộ GTVT ưu tiên đầu tư mở rộng các dự án cao tốc 4 làn xe hạn chế, 4 làn hoàn chỉnh trên tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô quy hoạch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa thực tế trong tương lai với tầm nhìn dài hạn trên 20 năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã dự kiến cân đối nguồn vốn ngân sách bổ sung để nâng cấp các dự án cao tốc La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn (hiện có quy mô 2 làn xe); Cao Bồ - Mai Sơn (4 làn xe hạn chế), sớm triển khai mở rộng đáp ứng nhu cầu.

Bộ GTVT cũng cần khẩn trương hoàn thành nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó báo cáo rõ về thuận lợi, khó khăn của việc đầu tư theo phương thức PPP.

Tại Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT rút kinh nghiệm về việc tính toán, dự báo lưu lượng khi đề xuất đầu tư các dự án cao tốc có quy mô 2 làn xe, quy mô phân kỳ, đến nay phải đề xuất mở rộng ngay khi mới đưa vào khai thác sử dụng; đồng thời rà soát lại quy mô quy hoạch, nhu cầu thực tế, dự báo lưu lượng, đảm bảo tầm nhìn dài hạn 20 năm đối với các đoạn tuyến ra vào cửa ngõ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch, làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng phù hợp và phối hợp với Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án GTVT”, Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT nêu rõ.

Cùng với trách nhiệm chủ lực của Bộ GTVT trong việc nâng đời các tuyến cao tốc phân kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án mở rộng các cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Hà Nội - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai), cầu Giẽ - Ninh Bình (để đồng bộ với quy mô của đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cao Bồ - Mai Sơn sau khi được mở rộng lên 6 làn xe), báo cáo Thủ tướng về các dự án nêu trên, trong đó cần làm rõ khả năng thực hiện, khó khăn, vướng mắc, cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định.

Liên quan đến việc tìm nguồn kinh phí cho việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ 165.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư