Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phương án tối ưu với thương vụ cho thuê cảng biển An Thới
Bảo Như - 23/12/2020 11:40
 
Việc cho CTCP Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới tiếp tục thuê cảng An Thới có thể là phương án thi nhất, không gây thất thoát, đứt gãy quá trình vận hành cảng biển này.
Cảng An Thới - cảng biển lớn nhất Phú Quốc - được đầu tư xây dựng với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000  lượt hành khách/năm.
Cảng An Thới - cảng biển lớn nhất Phú Quốc - được đầu tư xây dựng với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 lượt hành khách/năm.

Đề xuất tiếp tục ký hợp đồng

Theo ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới (An Thới Port), lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Cục Hàng hải Việt Nam đang xem xét đối với đề xuất tiếp tục ký hợp đồng cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới với An Thới Port.

“Chúng tôi đã trình bày khá chi tiết, có cơ sở thực tiễn về những thuận lợi và khó khăn mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể phải đối diện khi triển khai phương án chấm dứt, thanh lý hợp đồng cho thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới và thực hiện lại thủ tục đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới”, ông Lãm nói.

Được biết, phương án tiếp tục giao đơn vị đã và đang khai thác ổn định kết cấu hạ tầng cảng biển lớn nhất tại Phú Quốc đã được An Thới Port kiên trì gửi tới Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam trong suốt một năm qua.

Trong Văn bản số 19/BC-ATP, ngày 30/11/2020 gửi 2 cơ quan nói trên, đại diện An Thới Port khẳng định, đơn vị hoàn toàn tôn trọng quyết định của Cục Hàng hải Việt Nam về chấm dứt Hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới với Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn (Tranaco) - Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư Hiệp Phước (HDI). Tuy nhiên, để việc quản lý, bảo vệ tài sản, khai thác cảng biển An Thới không bị gián đoạn, thất thoát, thì việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận phương án cho đơn vị đang khai thác được tiếp tục thực hiện quản lý khai thác hoặc ký hợp đồng điều chỉnh mới trực tiếp với An Thới Port là phù hợp với quy định pháp luật.

“Phương án này sẽ giúp quá trình vận hành khối tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới diễn ra liên tục, không bị gián đoạn, không gây thất thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời đảm bảo ổn định đời sống việc làm cho đơn vị khai thác cảng hiện hữu”, ông Lãm nhấn mạnh.

Trong trường hợp Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành thủ tục đấu giá lựa chọn đối tác mới để cho thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới, ngoài việc bị gián đoạn khai thác cảng biển này trong khoảng 10 - 12 tháng, phát sinh nguy cơ tranh chấp hợp đồng với nhà khai thác cũ…, có thể, giá khởi điểm sẽ thấp hơn giá cho thuê hiện nay (do phải trừ khấu hao theo thông lệ và định giá thực tế sau khi giám định thực trạng tài sản sau thời gian dài khai thác).

“Những thiệt hại này chưa tính đến các khoản chi khá lớn mà ngân sách sẽ phải gánh chịu, như chi phí trông coi tài sản trong khi chờ đấu giá lại, chi phí tổ chức đấu giá lại”, đại diện An Thới Port phân tích.

Vào cuối năm 2013, được sự chấp thuận của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn bên thuê quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới.

Căn cứ kết quả đấu thầu lựa chọn bên thuê được Bộ GTVT phê duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam và Liên danh Tranaco - HDI (đơn vị trúng thầu) đã ký kết Hợp đồng cho thuê quản lý khai thác cảng biển An Thới số 03/2014/HĐT, ngày 25/1/2014, thời gian thuê từ năm 2014 đến năm 2043.

Theo quy định của Hợp đồng số 03, Liên danh Tranaco - HDI được phép thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới có nguyên giá 128 tỷ đồng trong 30 năm (2014 - 2043). Tổng giá trị Hợp đồng khoảng 90 tỷ đồng được bên thuê thanh toán hàng năm, tăng dần từ 172 triệu đồng vào năm 2014 lên khoảng 1,7 tỷ đồng vào năm 2019; 4,25 tỷ đồng vào năm 2043.

Sau khi ký hợp đồng, Liên danh Tranaco - HDI đã tiến hành thành lập công ty khai thác là Công ty TNHH Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới (sau đó chuyển đổi thành Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 8/4/2014 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cấp, thành viên góp vốn gồm: Tranaco góp 55% và HPI góp 45%) để quản lý, khai thác cảng biển An Thới. Ngày 16/4/2014, Bên thuê lập Hợp đồng ủy quyền cho Công ty khai thác thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Hợp đồng thuê.

Tuy nhiên, với lý do liên danh nhà đầu tư chưa thực hiện đúng một số quy định của Hợp đồng, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT chấm dứt Hợp đồng cho thuê khai thác cảng An Thới số 03/2014/NĐT và giao Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang thực hiện khai thác quản lý cảng biển An Thới, tạm dừng khai thác Cảng cho đến khi lựa chọn được bên thuê khai thác.

Cổ đông sáng lập bỏ rơi

Cũng tại Văn bản số 19/BC-ATP, An Thới Port cho biết, kể từ khi thành lập, đơn vị không nhận sự hỗ trợ của liên danh nhà đầu tư được Cục Hàng hải Việt Nam lựa chọn. Trước tình hình khai thác không hiệu quả, gặp nhiều khó khăn do vị trí khai thác của Cảng không thuận lợi về kết nối giao thông, hai đơn vị trong liên danh đã không góp vốn và chuyển quyền góp vốn cho một số nhà đầu tư khác như: Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng; Công ty cổ phần Giao nhận vận tải U&I.

Bị các cổ đông sáng lập bỏ rơi, nhưng An Thới Port vẫn chủ động khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới; nộp tiền thuê, nghĩa vụ thuế đúng hạn; tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trừ năm 2020 gặp khó khăn do Covid-19, An Thới Port đều đã thanh toán dứt điểm tiền thuê tài sản hàng năm và duy trì chất lượng tài sản cảng An Thới.

Trong Công văn số 2570/CHHVN-QLKCHTCB gửi Bộ GTVT vào tháng 7/2019, Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, kể từ khi ký hợp đồng, Bên thuê đã chủ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng, nhưng doanh thu chưa cao (năm 2018 đạt 5,3 tỷ đồng), đã khiến An Thới Port thua lỗ kéo dài. Để duy trì hoạt động, các cổ đông mới (gồm Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng; Công ty cổ phần Giao nhận vận tải U&I) đã liên tục bơm vốn để trả lương lao động, bảo trì tài sản và nộp các khoản phí.

Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, cảng An Thới được đầu tư xây dựng với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 lượt hành khách/năm. Qua 7 năm cho thuê khai thác cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng trung bình đạt khoảng 17% công suất thiết kế.

Lý do chính là, hàng hóa được vận chuyển đến đảo Phú Quốc chủ yếu là vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, các loại hàng hóa liên quan đến dân sinh, nhưng do nằm ở khu vực phía Nam của đảo, cách xa các dự án, công trình đang thi công, nếu dỡ hàng tại cảng An Thới sẽ phải mất công đoạn vận chuyển đường bộ vừa xa mà đường sá lại hẹp, qua khu vực chợ dân sinh, cầu cống nhỏ, trọng tải thấp, không phù hợp để vận chuyển các loại hàng nặng và cồng kềnh. Đó là chưa kể, hiện Phú Quốc có nhiều cảng tạm và cảng thủy nội địa, các cảng này nằm rải rác gần các công trình thi công quanh đảo, giá cước rẻ, khá tiện cho việc bốc xếp hàng hóa.

Liên quan phương án quản lý khai thác cảng An Thới sau khi chấm dứt hợp đồng, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, việc giao Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang quản lý cảng biển An Thới (phương án đề xuất Bộ GTVT lựa chọn) sẽ dẫn tới việc phải tạm thời đóng cửa cảng biển này ít nhất 6 tháng và phát sinh chi phí trông coi quản lý khoảng 450 triệu đồng. Nhà nước thất thu trong suốt thời gian này, toàn bộ hệ thống kết cấu, cơ sở vật chất sẽ xuống cấp nhanh chóng do không được vận hành và bảo trì thường xuyên.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng thừa nhận, trong trường hợp Bên thuê không chấp thuận việc chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn và không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Hợp đồng, thì Bên cho thuê phải đơn phương chấm dứt Hợp đồng; gián đoạn quá trình khai thác Cảng kể từ khi thanh lý Hợp đồng đến khi lựa chọn đơn vị thuê mới. Như vậy, sẽ kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư, mất một khoản chi phí để quản lý, bảo trì Cảng; phát sinh tranh chấp giữa hai bên, thời gian tranh chấp có thể kéo dài và ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn đơn vị thuê mới; thiệt hại về kinh tế của hai bên.

“Chúng tôi cho rằng, trong 6 năm qua, An Thới Port đã trực tiếp làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bên thuê đối với Nhà nước, việc ký hợp đồng với An Thới Port để tiếp tục khai thác cảng biển An Thới là tối ưu nhất. Ngoài việc sẽ khẩn trương thanh toán dứt điểm công nợ, An Thới Port cam kết sẽ tìm kiếm đối tác, huy động nguồn lực để xây dựng một tuyến đường ven biển mới nối từ cảng An Thới về trung tâm đảo. Đây là lối thoát căn cơ nhất, để phát huy trọn vẹn tài sản của Nhà nước đã đầu tư vào Cảng”, ông Lãm bày tỏ.

Dự án Đầu tư xây dựng cảng An Thới được Bộ GTVT phê duyệt với quy mô xây dựng gồm khu vực cảng đầu mối (cảng chính) và khu cảng chuyển tải (bến phao) để xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương.

Năng lực thông qua cảng: hàng hóa 280.000 tấn/năm, hành khách 440.000 lượt khách/năm. Tổng chi phí đầu tư xây dựng Dự án là 157,62 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án gồm 2 gói thầu chính. Gói thầu số 1: bến 3.000 DWT, kè bờ cảng, nhà, xưởng và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Gói thầu số 2: bến phao, luồng tàu, vũng quay đảm bảo cho tàu 3.000 DWT hành hải.

Công trình này được hoàn thành vào năm 2012.
Tập đoàn Trung Nam đầu tư hơn 1.400 tỷ xây dựng cảng biển Cà Ná
Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận (giai đoạn 1), do Tập đoàn Trung Nam đầu tư sẽ đưa vào hoạt động bến số 1 với công suất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư