Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
QTSC: Điểm đến thương hiệu công nghệ thông tin
Bảo Giang - 28/03/2013 11:38
 
Thu hút đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là các thương hiệu lớn và uy tín của thế giới là điểm then chốt trong Chiến lược thu hút đầu tư và phát triển của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) giai đoạn 2012-2015.
TIN LIÊN QUAN

Địa chỉ đầu tư chiến lược

Theo ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, sau 25 năm triển khai Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với vai trò là hạt nhân và là đầu tàu của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM đã có nhiều sáng kiến đột phá trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong nhiều trường hợp, các sáng kiến của TP.HCM được Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm trước khi nhân rộng ra toàn quốc.

Các doanh nghiệp tại QTSC được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất dành cho ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin...

Một trong những chính sách mang tính thí điểm và đã đem lại thành công lớn là sự hình thành và phát triển của mô hình công viên phần mềm tập trung.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HĐTV QTSC nhớ lại, QTSC được “khai sinh” vào ngày 07/07/2000 với quyết định của UBND TP.HCM về xây dựng một khu công viên phần mềm tập trung. Khi đó, QTSC được xác định là một trong 12 công trình trọng điểm của TP.HCM nhiệm kỳ 2001-2005, rồi của giai đoạn 2006-2010.

Nhìn lại quá trình phát triển ngành công nghiệp phần mềm của TP.HCM, có thể khẳng định, đây là một quyết sách quan trọng, thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong phát triển nền kinh tế tri thức của TP.HCM. Bởi ngay sau đó, vào 22/9/2000, Chính phủ đã cho phép đầu tư xây dựng hệ thống viễn thông QTSC với những chính sách đặc biệt. Quyết định quan trọng này có ý nghĩa như một chìa khóa, vừa phá bỏ thế độc quyền cung cấp Internet, vừa tạo cho QTSC điều kiện chủ động về mặt hạ tầng và dịch vụ viễn thông trong cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư.

Bước ngoặt thật sự đến với QTSC vào ngày 21/4/2009, khi QTSC được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là khu công nghiệp thông tin tập trung đầu tiên của Việt Nam. Với Quyết định này, các DN tại QTSC được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ quy định cho ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Trong định hướng phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất nhân rộng mô hình QTSC ra các địa phương khác trong cả nước. Ngay từ tháng 3/2009 UBND TP.HCM đã quyết định cho QTSC thực hiện đầu tư cung cấp dịch vụ hạ tầng cho hệ thống City web và Chính phủ điện tử của TP.HCM dưới sự chỉ đạo và triển khai của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Đây cũng là địa phương đầu tiên áp dụng hình thức đầu tư theo mô hình PPP để phát triển các dịch vụ này.

Không chỉ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, trở thành địa chỉ tin cậy của DN phần mềm trong và ngoài nước, lãnh đạo QTSC xác định rõ chiến lược nâng tầm hoạt động, đưa thương hiệu QTSC hội nhập khu vực và toàn cầu.

Vào tháng 12/2010 tại cuộc họp thường niên của Liên minh các Công viên phần mềm châu Á và châu Đại dương tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, các thành viên đã thống nhất bầu QTSC làm chủ tịch luân phiên của Liên minh năm 2011-2012. Đây là sự kiện đánh dấu bước hội nhập quốc tế, thể hiện rõ uy tín của QTSC trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ hội quan trọng để quảng bá hình ảnh ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Chính từ những bước đi chiến lược, sự đầu tư căn cơ, sự quyết tâm trong hình thành một môi trường tiện nghi về hạ tầng và tận tâm trong cung ứng dịch vụ của QTSC, cuối năm 2010, Tập đoàn HP (Mỹ) đã quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển giải pháp phần mềm toàn cầu của HP tại QTSC. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào bước đột phá của QTSC giai đoạn 2011-2020.

Mới đây nhất, cuối năm 2012, Công ty KDDI của Nhật Bản cũng đã chính thức có tên trong danh sách nhà đầu tư hoạt động tại QTSC. KDDI là DN nằm trong Top 500 công ty công nghệ thông tin lớn trên toàn cầu.

Đến thị trường bằng bước đi bài bản

Trong năm 2013, một trong những chiến lược lâu dài được QTSC tiếp tục thực hiện, đó là tập trung hỗ trợ các DN hiện hữu phát triển mạnh mẽ hơn.

Về chiến lược xúc tiến đầu tư, QTSC sẽ mời gọi các DN Mỹ, Nhật Bản, đặc biệt chú trọng các thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…. Hiện tại, DN Nhật Bản chiếm khoảng 12% trong tổng số DN đang hoạt động tại QTSC.

Ngoài ra, QTSC sẽ tham gia các hoạt động xúc tiến chung của thành phố tại Mỹ, Nhật Bản dự kiến được tổ chức trong tháng 5 và tháng 7/2013. Trong đó, thị trường Nhật Bản sẽ được đặc biệt coi trọng trong năm 2013 này, năm Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trả lời câu hỏi đâu sẽ là các lĩnh vực trọng tâm thu hút đầu tư của QTSC, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó giám đốc QTSC cho biết, với tiêu chí xây dựng một “mái nhà” tiện nghi, chất lượng cao, phục vụ tận tâm dành cho DN, QTSC đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu dành riêng cho các lĩnh vực gia công phần mềm; dịch vụ xây dựng trung tâm dữ liệu; Đào tạo nhân lực CNTT; Công nghiệp nội dung số…

Ngoài các dịch vụ truyền thống, QTSC còn hướng đến các dịch vụ đang là xu hướng tiềm năng của ngành CNTT như: dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO); mô hình gia công ODC (Trung tâm gia công phần mềm ngoài nước)…

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, BPO về thực tế không phải là dịch vụ mới, nhưng hướng đi này hiện khá phù hợp với tiềm năng và nguồn lực hiện tại của Việt Nam vì tính hiệu quả khá cao.

Theo thống kê của Hãng Gartner (Mỹ), BPO là một trong số 6 xu hướng công nghệ sẽ bùng nổ của ngành công nghệ thông tin do sự phù hợp với làn sóng phân công hoá lao động toàn cầu. Mặt khác, phát triển nhân lực có thể tham gia dịch vụ BPO cũng nhanh hơn so với lập trình. Thông thường, thời gian để đào tạo 1 lập trình viên mất 4 - 5 năm tại trường đại học, nhưng cũng không phải ai học lập trình xong đều trở thành lập trình viên.

Ngược lại, đào tạo nhân lực cho BPO chỉ mất khoảng 6 tháng với những yêu cầu thấp hơn nhiều. Đây có thể là mô hình sinh lợi nếu phát triển gắn liền với các trường đại học trong việc tạo thêm việc làm cho sinh viên.

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Okamoto Susumu, Chủ tịch IT Holdings - một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất của Nhật Bản, đã chia sẻ: “Với thị trường Nhật, nhu cầu thị trường BPO rất lớn, chỉ lo Việt Nam tuyển dụng và đào tạo không kịp. Vì BPO là ngành dịch vụ còn rất non trẻ ở Việt Nam trong khi Nhật Bản đã có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này”. Ông Okamoto Susumu cũng nhấn mạnh thực tế thị trường lao động Nhật Bản đang ngày càng bị thu hẹp, số người ở độ tuổi lao động đã giảm 50%. “Điều này buộc các công ty Nhật phải chuyển các công việc xử lý phía sau (back office) ra ngoài”, ông Okamoto Susumu phân tích cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trên thế giới, BPO là ngành cần nhiều nhân lực, nhưng trình độ không quá cao để thực hiện các công việc như nhân viên tổng đài, nhập liệu, phân tích kinh doanh... Ngay các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của Ấn Độ như Tata, Infosys... cũng đều duy trì song song hai mảng BPO và ITO (mảng gia công phân mềm) với tỷ lệ 50:50.

Trong khi đó, với thị trường Mỹ, mô hình gia công ODC lại được cho là cơ hội của DN Việt Nam. Thực tế phát triển của TMA, Global Cyber Soft, InfoNam tại QTSC cho thấy, muốn mở cửa thị trường gia công phần mềm của Mỹ, Việt Nam nên có chính sách khuyến khích phát triển mô hình gia công ODC.

ODC là hình thức thiết lập ở nước ngoài một trung tâm gia công con của các công ty Mỹ. ODC là nguồn cung gia công phần mềm của Mỹ đến các quốc gia khác. QTSC có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực và hạ tầng để giúp DN thực hiện dịch vụ này.

Mặt khác, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cũng là định hướng được QTSC chú trọng thông qua các hoạt động như: tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho DN; phối hợp với các tổ chức, trường học đào tạo miễn phí cho DN...

Trong thông điệp gửi tới nhà đầu tư, QTSC đã cam kết hoàn thiện cơ chế và thủ tục một cửa, củng cố trung tâm chăm sóc khách hàng là những điểm nhấn trong hỗ trợ DN. “Chúng tôi cũng thực hiện chương trình triển khai đề án xây dựng QTSC 2 gắn liền với chuỗi QTSC theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Đồng thời, QTSC cũng hỗ trợ các địa phương khác xây dựng khu công viên phần mềm như chủ trương phát triển ngành của Chính phủ”, ông Dũng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư