Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Qua giám sát, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó cho các dự án quan trọng quốc gia
Nguyễn Lê - 18/08/2023 15:01
 
Đây là chương trình giám sát hết sức quan trọng, ý nghĩa, được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kế hoạch chi tiết báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Đây là chuyên đề sẽ được Quốc hội giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó trưởng đoàn giám sát Lê Quang Mạnh cho biết, các dự án quan trọng quốc gia trong diện giám sát là Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; giai đoạn 1 các dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột ; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 8 bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng nhà nước.

10 địa phương Đoàn giám sát sẽ giám sát trực tiếp trên thực địa và qua báo cáo giám sát, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đăk Lắc, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đây là chuyên đề giám sát được Quốc hội lựa chọn “rất mới mẻ và cũng rất hấp dẫn”, được Nhân dân cả nước rất quan tâm.

Lưu ý là phạm vi giám sát rộng, ông Phương nhận xét, chuyên đề gồm 2 mảng tưởng chừng tách bạch nhau, nhưng lại rất gắn với nhau, đó là mảng chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 và mảng các công trình trọng điểm quốc gia. Nhưng chính sách tài khóa, tiền tệ lại quyết định những vấn đề về đầu tư để tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là các công trình trọng điểm quốc gia. Cho nên tưởng như tách ra nhưng lại rất gắn bó.

“Đây là vấn đề vừa có cái chung, vừa có cái riêng, rất trọng điểm. Chính các công trình trọng điểm quốc gia này thúc đẩy cho việc giải ngân theo các chính sách của nghị quyết 43 để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”, Phó chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Trong đánh giá việc thực hiện nghị quyết 43, ông Phương góp ý cần xác định 3 trọng điểm gồm chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và những chính sách đặc thù.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cơ bản nhất trí với kế hoạch giám sát đã được dự kiến.

Đây là chương trình giám sát hết sức quan trọng, ý nghĩa và được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, tính chất của 2 nội dung trong chuyên đề giám sát đều là những vấn đề mới, có những nội dung chỉ vừa mới phân bổ vốn, vừa mới giao vốn tại Kỳ họp thứ 5, bây giờ mới bắt đầu triển khai thủ tục. Vì thế, nhiều cái có thể triển khai tốt rồi, nhiều cái mới bắt đầu, nhiều cái chưa thực hiện.

Vì tính chất có khác nhau, nên Bộ trưởng nêu rõ ông thống nhất với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nên khu trú, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề gì cốt lõi mà Quốc hội cần giám sát, cần quan tâm thì tập trung giám sát, còn nội dung đang triển khai nếu dàn trải, chưa có số liệu, tình hình chưa rõ thì đánh giá sẽ khó.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị trong báo cáo của Đoàn giám sát trình ra Quốc hội phải làm rõ được mối quan hệ giữa 2 nội dung trên, một cái chung là Nghị quyết 43, nhưng cái riêng là các dự án. Từ đó đề xuất những cơ chế, chính sách mới vừa gắn với cái chung vừa gắn với cái riêng.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đoàn giám sát tiếp tục rà soát, xác định rõ hơn phạm vi, mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm của cuộc giám sát để hoàn thiện kế hoạch chi tiết đề cương báo cáo.

Ông Hải lưu ý, nội dung và phạm vi giám sát rộng, nhiều nội dung chuyên sâu, do đó cần tiếp tục xem xét, rà soát đảm bảo tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, nghiên cứu kỹ để sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian thực hiện Nghị quyết 43 và các nghị quyết về chủ trương đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia.

Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu tập trung nghiên cứu, đánh giá, có ý kiến về việc ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách trong tình huống cấp bách đặc biệt, nhiều khó khăn, thách thức. Kiến nghị giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia chậm tiến độ. Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với hạn chế, yếu kém, thiếu sót, vi phạm trong thực hiện Nghị quyết 43 và chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.

“Tuy thời gian rất gấp, có 2 năm thôi, nhưng chúng ta tổ chức thực hiện Nghị quyết 43 rất nhanh và đã phát huy được tác dụng, bên cạnh đó cũng bộc lộ các tồn tại, các thiếu sót, thậm chí có thể có vi phạm, Đoàn giám sát  phải xác định rõ trách nhiệm và thiếu sót ở đâu”, ông Hải yêu cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư