Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Quan chức Mỹ: Các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không cần phải chọn bên
Đông Phong - 03/11/2023 16:48
 
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trấn an các nước châu Á rằng cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc sẽ không gây ra chia rẽ "thảm họa" trong nền kinh tế toàn cầu mà khiến họ phải chọn bên.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP

"Không mong muốn một thế giới bị chia rẽ"

Reuters đưa tin, trong bài phát biểu chuẩn bị trước cho Hội nghị Cấp cao APEC do Mỹ đăng cai tại thành phố San Francisco vào cuối tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, việc tách rời hoàn toàn nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, "đơn thuần là điều không thực tế", đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp của chuỗi cung ứng châu Á và mối quan hệ kinh tế sâu sắc của khu vực với Trung Quốc.

Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhằm xoa dịu những lo ngại ngày càng tăng về sự phân mảnh địa chính trị của nền kinh tế toàn cầu thành các bên do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều biện pháp kiểm soát công nghệ và xuất khẩu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì do ngại an ninh quốc gia.

"Sự tách biệt hoàn toàn giữa các nền kinh tế của chúng ta, hoặc cách tiếp cận các quốc gia, bao gồm cả các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là buộc phải chọn một bên, sẽ gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến toàn cầu", Bộ trưởng Yellen nhận định.

"Chúng tôi không mong muốn một thế giới bị chia rẽ như vậy và những hậu quả tai hại của nó", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Thay vào đó, Mỹ đang theo đuổi mục tiêu "giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa" mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bằng cách đầu tư vào sản xuất trong nước và tăng cường liên kết với các đồng minh, đối tác trên toàn cầu, bao gồm cả các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Yellen cho biết Mỹ sẽ không thỏa hiệp đối với các hành động an ninh quốc gia, nhưng nhằm mục đích giữ chúng trong phạm vi hẹp chứ không "bóp nghẹt sự tăng trưởng ở Trung Quốc".

Quan điểm của Bộ trưởng Yellen được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị đón tiếp các nhà lãnh đạo và quan chức hàng đầu từ các nước đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tại thành phố San Francisco từ ngày 11 - 17/11. Nhà Trắng muốn thu xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Cấp cao APEC.

Mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư

Bộ trưởng Yellen cho biết chính quyền Tổng thống Biden cam kết mở rộng thương mại và đầu tư với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực này trước thềm Hội nghị APEC.

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, mối liên kết kinh tế sâu sắc hơn với các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ giúp chuỗi cung ứng của Mỹ trở nên linh hoạt hơn và tiếp cận thị trường năng động và tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Mỹ.

"Khi chúng ta hướng tới APEC vào cuối tháng này, cho tôi khẳng định rõ ràng rằng: Những tuyên bố rằng Mỹ đang quay lưng lại với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là hoàn toàn vô căn cứ", Bộ trưởng Yellen nêu trong bài phát biểu. Nữ Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tăng cường mối quan hệ kinh tế trong khu vực, mang lại những lợi ích tiềm năng to lớn cho nền kinh tế Mỹ và cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã kêu gọi tổ chức vòng đàm phán lần thứ bảy về sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF) vào tuần tới tại San Francisco, nhằm đạt được một số thỏa thuận kịp thời cho Hội nghị Cấp cao APEC.

Sáng kiến IPEF, mặc dù còn xa mới đi đến một hiệp định thương mại tự do truyền thống, nhưng lại là sáng kiến nổi bật của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và các nước châu Á, cung cấp cho họ một phương án thương mại và đầu tư thay thế cho Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Yellen, hội nhập sâu hơn với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích cho khu vực này và Mỹ, đồng thời lưu ý rằng thương mại hai chiều giữa Mỹ và khu vực đã đạt giá trị 2,28 nghìn tỷ USD trong năm 2022, tăng 25% kể từ năm 2019, đáng nói là khu vực này chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.

"Khía cạnh kinh tế đối với việc mở rộng thương mại và đầu tư của chúng ta là rất rõ ràng. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực năng động và đang phát triển nhanh chóng. Khi khu vực này phát triển, chúng tôi có cơ sở khách hàng đang được mở rộng nhanh chóng cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ", Bộ trưởng Yellen nêu rõ.

Một phần động lực thúc đẩy mở rộng hợp tác thương mại giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng này bắt đầu kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump kích hoạt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018 với việc áp dụng các mức thuế mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và xu hướng này đã tăng tốc khi diễn ra đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Yellen cho rằng, hợp tác kinh tế giữa Mỹ với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, là "rất quan trọng để củng cố an ninh chuỗi cung ứng của chúng tôi" nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt xảy ra khi thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ tái khẳng định mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước trong khu vực thông qua việc dịch chuyển sản xuất sang "nước bạn" (friend-shoring) hoặc chọn các đồng minh đáng tin cậy làm nguồn cung cấp.

"Việc đạt được khả năng phục hồi thông qua hợp tác với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích cho các nền kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Bộ trưởng Yellen nhấn xét.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư