Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc: Tăng trưởng sẽ sớm trở lại đường ray
Đông Phong - 09/01/2023 07:12
 
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ trở lại lộ trình "bình thường" khi Bắc Kinh cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn nhằm giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân phục hồi.
Quang cảnh Bến Thượng Hải, quận Hoàng Phố, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 21/12/2022. Ảnh: AFP
Quang cảnh Bến Thượng Hải, quận Hoàng Phố, TP. Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 21/12/2022. Ảnh: AFP

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ phục hồi nhanh chóng nhờ chính sách chống dịch Covid-19 tối ưu và các chính sách kinh tế tiếp tục phát huy tác dụng. Quan điểm này được ông Guo Shuqing, bí thư đảng ủy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nêu trong bài phỏng vấn được Nhân dân Nhật báo xuất bản ngày 8/1.

Hãng tin Bloomberg dẫn nội dung trả lời phỏng vấn của ông Guo cho rằng, chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc là chuyển tổng thu nhập hiện tại sang tiêu dùngđầu tư ở mức cao nhất có thể.

Đại diện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cam kết sẽ sử dụng các chính sách tài chính để cải thiện thu nhập của những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp đáp ứng các nhu cầu cơ bản và kích thích tiêu dùng. Mặt khác, ông Guo cũng cho rằng, ngành tài chính Trung Quốc cần phát triển các sản phẩm khuyến khích mua nhà và ô tô.

Đại diện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đảm bảo chính sách tiền tệ có lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng hiệu quả và mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn của khối doanh nghiệp này, kể cả hỗ trợ nhiều hơn cho các thương vụ IPO và phát hành trái phiếu.

Theo ông Guo, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục biến động nhưng sẽ tiếp tục tăng giá trong trung và dài hạn. Trong khi đó, Bắc Kinh cần cảnh giác cao độ đối với nhập khẩu lạm phát, ngay cả khi giá cả trong nước vẫn ổn định.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ ngày 7-9 tháng 12 năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp làm thay đổi đáng kể chính sách chống dịch của nước này, từ chính sách chống dịch cứng rắn zero-covid sang "sống chung với virus".

Với sự thay đổi sớm hơn dự đoán trên, Công ty phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc Tập đoàn Economist đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc lên 5,2% vào năm 2023 (từ mức 4,7%) và 4,8% vào năm 2024 (từ mức 4,5%).

Kịch bản kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 sẽ chứng kiến 6 tháng đầu năm tăng trưởng yếu hơn và tăng mạnh hơn vào nửa cuối năm, theo EIU.

Giống như các nền kinh tế châu Á khác đã dỡ bỏ chính sách chống dịch hà khắc, việc mở cửa trở lại sẽ không đưa đến kết quả tăng trưởng bứt tốc ngay lập tức, vì số ca nhiễm tăng lên khi mở cửa có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tiêu dùng. Tuy nhiên, sau một quý khó khăn, động lực kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ được củng cố trong quý II/2023, trước khi phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm, khi tình hình sức khỏe cộng đồng được kiểm soát.

"Chúng tôi cũng dự đoán nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Tác động chậm chạp của các chính sách hỗ trợ tăng trưởng (được công bố trong thời gian tới) sẽ củng cố hiệu suất kinh tế mạnh mẽ hơn vào năm 2024", các nhà phân tích của EIU nhận định.

Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc trong hai năm tới sẽ khác so với sự phục hồi sau đại dịch của các nền kinh tế lớn khác. Chẳng hạn, tại Mỹ, tiêu dùng cá nhân bùng nổ kéo dài nhờ các khoản tiết kiệm và các gói kích thích kinh tế của chính phủ đã hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ. Còn Trung Quốc cũng sẽ chứng kiến sự phục hồi ban đầu trong tiêu dùng do nhu cầu bị dồn nén, nhưng sự phục hồi đó sẽ tương đối nhẹ do tác động tiêu cực của dịch covid-19 đến thu nhập cá nhân trong khi không có gói kích thích tập trung cho các hộ gia đình.

Tương tự như tiêu dùng, đầu tư tư nhân tại Trung Quốc cũng sẽ cần thời gian để phục hồi.

Các nhà phân tích của EIU kỳ vọng, Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp tài khóa mở rộng thông qua bảo hiểm trái phiếu và mở rộng thâm hụt tài khóa; đồng thời bù đắp chi tiêu trong năm 2023, kích thích nền kinh tế và cấp kinh phí cho việc điều trị covid-19.

Các lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi từ việc Trung Quốc dỡ bở chính sách zero-Covid là chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, tiếp đến là lĩnh vực tiêu dùng như kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận tải và du lịch. Ngoài ra, bất động sản cũng sẽ là lĩnh vực được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ và kỳ vọng thu nhập của người dân được cải thiện.

Trung Quốc "xoay trục" chính sách Covid-19, triển vọng kinh tế tích cực
Triển vọng phục hồi của Trung Quốc được dự báo tích cực khi quốc gia này tiến gần đến việc mở cửa hoàn toàn sau 3 năm áp dụng chính sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư