Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường: Cần giải pháp căn cơ
Nguyễn Linh - 27/05/2023 17:03
 
Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt để vỉa hè không chỉ là "vùng đệm" giữa công trình kiến trúc và đường phố mà còn là bản sắc văn hóa, văn minh của đô thị hiện đại.

Hạn chế tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi phong trào lắng xuống, người dân lại đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, dừng đỗ phương tiện,… Do vậy, Hà Nội cần làm kiên quyết, kiên trì, "không đánh trống bỏ dùi" trong xử lý vi phạm trật tự đô thị.

Cụ thể, tại Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo 197 đã giao Công an Thành phố hàng tháng tập hợp những tồn tại, hạn chế của các sở, ngành, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã; phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Đồng thời kiến nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố không duyệt đề xuất các hình thức thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị có tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch.

Nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh.


Nhờ đó, đến thời điểm này, tình hình trật tự đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã từng bước được giảm dần. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định. Các bục bệ, mái che vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và lực lượng chức năng phá dỡ. Trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo, tạo nên bộ mặt đô thị văn minh, được người dân, dư luận đánh giá cao.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, các đơn vị chức năng cũng phải có chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân khi không được buôn bán trên vỉa hè. Đối với những người mất việc làm cần phải tạo sinh kế cho họ. Có như vậy, người dân mới hiểu và đồng lòng với chính quyền TP. Hà Nội trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi, "kinh tế vỉa hè" hiện là một phần ngành dịch vụ của TP. Hà Nội trong nhiều năm qua. 

Đồng thời, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán và đoạn nào, khu vực nào không được. Từ đó, TP. Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.

Nhận thức đúng chức năng của vỉa hè

Là một phần quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị, vỉa hè có chức năng phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trên thực tế, vỉa hè còn là không gian công cộng, nơi hằng ngày diễn ra sinh hoạt của cộng đồng.

Vỉa hè tuyến đường Cửa Bắc (quận Ba Đình).

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, lâu nay có nhiều người vẫn cho rằng, hoạt động buôn bán lộn xộn, ăn uống nhếch nhác diễn ra trên vỉa hè là bình thường, thậm chí là một phần không thể thiếu của văn hóa đô thị. Nhiều chuyên gia kinh tế còn lưu ý về vai trò của vỉa hè trong phát triển kinh tế đô thị. Vì vậy, muốn hiểu đúng, đầy đủ, cần nhìn từ bản chất vỉa hè là không gian công cộng, là một phần trong cấu trúc không gian đô thị, nên phải được khai thác, quản lý và kiểm soát để bảo đảm vận hành đúng chức năng.

Hướng tới các giải pháp bài bản, căn cơ, cần nhận diện đúng giá trị đặc thù của vỉa hè, trong thực hiện có phân loại làm thí điểm và vận động mọi người cùng tham gia. Các thiết kế đô thị phải gắn với thiết kế đường phố, tiếp cận đồng bộ với các yếu tố về văn hóa, kiến trúc cảnh quan, thành phần kinh tế và hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, Hà Nội cần xem xét việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số,… trong việc giám sát, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thị, dừng đỗ phương tiện sai quy định.

Về việc tổ chức không gian và quản lý không gian vỉa hè, để tránh lãng phí, dàn trải trong đầu tư, trước tiên cần nghiên cứu, phân loại không gian lòng đường, vỉa hè theo các nhóm chức năng sử dụng. 

Ví dụ nhóm các tuyến phố có không gian vỉa hè, lòng đường đơn chức năng chỉ dành cho người đi bộ, nhóm các tuyến phố có không gian vỉa hè, lòng đường đa chức năng, cho phép kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ, trông giữ xe, kèm theo các tiêu chí và yêu cầu về diện tích, vị trí, cây xanh, thiết bị đô thị đi kèm, vệ sinh - an toàn phù hợp.

Cần có quy định cụ thể việc sử dụng vỉa hè một cách công khai, minh bạch và phát huy vai trò tham gia quản lý vỉa hè của cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Cuối cùng, rất quan trọng, đó là sự nghiêm minh của người thực thi pháp luật trong quản lý vỉa hè.

Hà Nội quyết liệt sắp xếp, quản lý lòng đường, vỉa hè theo đúng quy định
Công an TP. Hà Nội đã, đang quyết liệt sắp xếp, quản lý lòng đường, vỉa hè theo đúng quy định.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư