Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quản lý thị trường vàng: Mạnh dạn thí điểm cơ chế mới
Thùy Liên - 25/03/2024 07:27
 
Chính phủ rất sốt ruột trước những diễn biến trên thị trường vàng khi liên tiếp ban hành 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc về quản lý thị trường vàng trong thời gian từ giữa năm ngoái đến nay.

Hiện tại, dường như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khá lúng túng trong nỗ lực tìm ra giải pháp khả dĩ nhất nhằm quản lý thị trường này với mục tiêu hài hòa lợi ích các bên. Nhưng bối cảnh hiện không cho phép cơ quan quản lý chậm trễ hơn, vì càng chậm, thì hệ lụy với nền kinh tế càng lớn. Đã đến lúc phải áp dụng cơ chế quản lý mới cho thị trường vàng, kể cả trong hoàn cảnh buộc phải “ném đá dò đường”.

Không thể phủ nhận trong hơn một thập kỷ qua, nhờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP, ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nguy cơ vàng hóa nền kinh tế đã chấm dứt, những cơn sốt nóng của tỷ giá do vàng gây ra cũng không còn. Song cấm nhập khẩu vàng kéo dài cộng với cơ chế độc quyền vàng miếng SJC đã khiến thị trường vàng Việt Nam “một mình một chợ”, giá vàng trong nước thường xuyên chênh lệch 15-20 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. 

Từ đây, rất nhiều hệ lụy lại phát sinh như nhập lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định…

Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

“Làm thế nào để kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân, nhưng lại không gây bất ổn tỷ giá, không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không gây khó cho hoạt động kinh doanh vàng” là câu hỏi lớn đặt ra lúc này.

Vàng là loại tài sản vô cùng nhạy cảm, gắn bó chặt chẽ với tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, thì chênh lệch giá vàng sẽ ngay lập tức được kéo giảm, nhưng tỷ giá khó tránh bị ảnh hưởng. Nếu phát triển các sản phẩm vàng dạng phái sinh, thì nguy cơ vàng hóa nền kinh tế có thể quay lại.

Dù là giải pháp nào, thì cũng rất khó thỏa mãn cùng lúc lợi ích doanh nghiệp, lợi ích người tiêu dùng và lợi ích quốc gia. Trong mối quan hệ này, lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Có lẽ, bên cạnh việc hướng tới một thị trường vàng miếng tự do hơn, nhưng vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát, nhà điều hành cần áp dụng song hành các giải pháp khuyến khích ngành vàng trang sức xuất khẩu để cân bằng nguồn ngoại tệ. Ngoài ra, NHNN cũng cần cân nhắc tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng để gia tăng khả năng bình ổn thị trường vàng.

Trên thực tế, làn sóng mua ròng tăng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương đã diễn ra hàng chục năm qua. Dĩ nhiên, bình ổn thị trường vàng không chỉ là nhiệm vụ của riêng NHNN. Nỗ lực chống nhập lậu, thao túng giá vàng, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, minh bạch thị trường vàng… cần sự vào cuộc của hàng loạt bộ ngành khác như công an, công thương, tài chính, tư pháp…    

Là hàng hóa đặc biệt, liên quan đến đại bộ phận dân cư, nên bất kỳ động thái thay đổi chính sách nào với vàng đều được người dân hết sức quan tâm. Đây là lý do khiến nhà điều hành e ngại, thận trọng khi đưa ra giải pháp mới. Tuy vậy, quá thận trọng và chậm trễ khi đưa ra chính sách quản lý mới rất dễ khiến thị trường thêm rối loạn.

Đã đến lúc, NHNN cần mạnh dạn thí điểm cơ chế quản lý mới cho thị trường vàng. Theo đó, việc thay đổi cơ chế quản lý vàng phải dựa trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tác động của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tham vấn ý kiến các bên liên quan, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Quá trình áp dụng cơ chế mới này có thể phải tiến hành từ từ theo kiểu “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” và thay đổi linh hoạt theo từng giai đoạn.

Thị trường vàng khởi động năm mới đầy sôi động
Kết thúc tuần qua, giá vàng miếng SJC đóng cửa ở mức 78,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, vàng đã tăng giá 5,3% ngay trong tháng đầu tiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư