Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Quản lý vốn lưu động giữa thời kỳ nhiều biến động
Doanh nghiệp luôn phải chú trọng việc quản lý tiền mặt và vốn lưu động, đặc biệt khi nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống.
Ông Ross Macallister, Trưởng bộ phận Tư vấn, Công ty TNHH KPMG Việt Nam

Năm 2022 khép lại với nhiều bất ổn còn tồn đọng. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi các sự kiện chồng chéo, như chiến tranh ở Ukraine, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Tại Việt Nam, đó là thách thức trên thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Những trở ngại này phần nào làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khiến nhiều công ty tại Việt Nam lo ngại trước những thách thức liên quan đến dòng tiền trong năm 2023.

Ngay cả trong thời kỳ hưng thịnh, việc thiếu kiểm soát dòng tiền cũng đã là một trong những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp ở Việt Nam phải đối mặt. Do đó, các doanh nghiệp càng phải chú trọng hơn đến việc quản lý tiền mặt và vốn lưu động, đặc biệt khi nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống.

Quản lý vốn lưu động không chỉ là vấn đề siết chặt dòng tiền mặt. Vốn lưu động phải được tối ưu hóa trong toàn tổ chức. Quá nhiều hàng tồn kho có thể gây thiếu hụt lượng tiền mặt, nhưng quá ít hàng tồn kho cũng cản trở việc đáp ứng các đơn hàng. Mức tồn kho và doanh thu có thể lên xuống đồng thời hoặc không; ví dụ, việc tăng trưởng doanh thu 30%, có thể yêu cầu tăng 50% hàng tồn kho hoặc ngược lại.

Quản lý vốn lưu động một cách hiệu quả cần một chiến lược tổng thể phù hợp với mô hình kinh doanh và mục tiêu cụ thể của công ty. Một nhà sản xuất tại Việt Nam phục vụ thị trường châu Âu sẽ luôn có một mức tồn kho nhất định và cần được phản ánh trong chiến lược vốn lưu động của công ty.

Kiểm soát dòng tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp

Một nhà sản xuất chuẩn bị thâm nhập thị trường Đông Nam Á có thể muốn có thêm tiền mặt để tài trợ cho các dự án kinh doanh, chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối mới trên một khu vực rộng lớn.

Một công ty ở các thị trường đặc biệt biến động hoặc hoạt động theo chu kỳ có thể muốn tăng mức tồn kho để đáp ứng nhu cầu ngoài dự tính ngay cả khi chi phí tăng hoặc doanh thu giảm.

Chiến lược tổng thể này nên được phát triển bởi các đơn vị liên quan trong toàn doanh nghiệp. Mặc dù bộ phận tài chính thường là dẫn dắt, việc thiết lập mục tiêu phải là một quá trình hợp tác tương hỗ, bao gồm các bộ phận khác như thu mua (đối với các khoản phải trả), sản xuất (bao gồm cả hàng tồn kho) và bán hàng (đối với các khoản phải thu).

Nhìn chung, quản lý vốn lưu động hiệu quả cần đảm bảo những điều kiện cơ bản được chuẩn hóa và duy trì ổn định. Đó là lý do vì sao các công ty cần phát triển các sáng kiến bền vững dài hạn để quản lý tiền mặt và vốn lưu động trong khuôn khổ được xây dựng dựa trên các tiêu chí (không chỉ để đối phó với những bất cập trước mắt): tính minh bạch; khả năng kiểm soát; tổ chức, triển khai; năng lực thực thi.

Để khởi đầu, đội ngũ lãnh đạo và hội đồng quản trị nên có những thông điệp rõ ràng, nhất quán về tầm quan trọng của việc quản lý vốn lưu động. Điều này giúp toàn thể nhân viên hiểu rõ lý do phải thay đổi và làm thế nào để đạt được những lợi ích bền vững. Quyết định thay đổi nên bao gồm việc đánh giá tính khả thi và xác định rõ mục tiêu cuối cùng. Thông điệp phải phản ánh sự quản trị phù hợp, được thực hiện theo kế hoạch và không xa rời trọng tâm, chẳng hạn như từ năm nay tập trung vào tối ưu chi phí - năm sau tập trung vào tiền mặt.

Một chương trình truyền thông nội bộ có thể cung cấp các cập nhật và hướng dẫn thường xuyên về các mục tiêu và hoạt động của vốn lưu động. Mặt khác, các khoản thu chi, bán hàng và tài chính phải được liên kết chặt chẽ với nhau, phù hợp với các mục tiêu và chiến lược tiền mặt của tổ chức.

Ngoài ra, các khuôn khổ phải đủ linh hoạt để phù hợp với tính phức tạp của các tổ chức ngày nay. Các đơn vị kinh doanh có những ràng buộc, thách thức và ưu tiên khác nhau, theo đó, các mục tiêu cần được điều chỉnh cho phù hợp. Các thay đổi có thể được đưa vào thông qua chính sách quản trị, đào tạo, mẫu hợp đồng, đàm phán…

Công nghệ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý hiệu quả vốn lưu động. Các lợi ích mang lại bao gồm phân tích và xác định nhanh chóng các lĩnh vực tiềm năng, nâng cao quy trình và cách thức làm việc, đồng thời cải thiện tính minh bạch và báo cáo về tiền mặt và vốn lưu động trong toàn tổ chức.

Ví dụ, công nghệ kỹ thuật số có thể cho phép cộng tác theo thời gian thực giữa người mua và nhà cung cấp để xác định tốt hơn tỷ lệ tối ưu cho việc thanh toán hóa đơn sớm. Nhờ việc cho phép mỗi nhà cung cấp đưa ra mức giá phù hợp với họ tại thời điểm đó, người mua sẽ nắm bắt được phạm vi giảm giá rộng hơn nhiều. Điều này làm cho cho toàn bộ chuỗi cung ứng linh hoạt hơn về thời gian đáp ứng và tần suất sử dụng.

Áp dụng mô hình quản lý vốn lưu động bền vững không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Nó đòi hỏi phải theo dõi liên tục các dự án, sáng kiến chiến lược, từ các quyết định của ban lãnh đạo đến hoạt động của đơn vị kinh doanh. Dẫu sao đi nữa, thành quả luôn xứng đáng với những nỗ lực bỏ ra. Ngay cả những cải thiện ngắn hạn và trung hạn trong quản lý vốn lưu động cũng có thể giảm thiểu đáng kể rủi ro khi doanh nghiệp không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ hoặc chi phí hoạt động trong kỳ thử thách này, đồng thời giúp các chủ doanh nghiệp tiếp tục hướng tới có lãi trong năm 2023.

Tín dụng dự báo tăng chậm lại dù nhu cầu vốn vẫn cao
Cầu vốn vẫn tăng, nhất là đối với thị trường bất động sản, song trước bối cảnh khó khăn của năm 2023 và mặt bằng lãi suất chưa hạ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư