Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quảng Bình: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu không giải ngân hết vốn đầu tư công
Ngọc Tân - 15/10/2021 14:59
 
Riêng dự án dự kiến không giải ngân hết vốn, chủ đầu tư phải có kế hoạch chi tiết số vốn dự kiến giải ngân từ nay đến hết năm 2021 và đề xuất kéo dài sang năm 2022.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình, đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao là 1.708 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,3%. Và nếu tính thêm phần số liệu ghi thu chi các dự án tạo quỹ đất và số vốn ODA đã có văn bản đề xuất giảm vốn năm 2021 thì tỷ lệ giải ngân là 53,1%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, từ đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện các công trình trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến một số dự án tỷ lệ giải ngân thấp.

Cụ thể, có 15 dự án giải ngân thấp dưới 60% làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung, trong đó có 6 dự án thuộc ngân sách Trung ương; 4 dự án vốn ODA; 3 dự án nguồn vốn từ tiền bồi thường của Formosa Hà Tĩnh; 2 dự án vốn dự phòng ngân sách Trung ương kéo dài năm 2019 sang năm 2021.

Dự án Thoát nước và Vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, Quảng Bình là một trong những Dự án trọng điểm hiện vẫn đang chậm tiến độ.
Dự án Thoát nước và Vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, Quảng Bình là một trong những dự án trọng điểm hiện vẫn đang chậm tiến độ.

Ông Phan Phong Phú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình giải ngân các dự án đầu tư công như tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, đặc biệt từ tháng 8 đến nay là mùa cao điểm xây dựng nhưng nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho các đơn vị gặp khó khăn trong huy động nhân lực, máy móc, công trình phải tạm dừng thi công; giá vật liệu xây dựng tăng cao; gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng...

Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá một số loại nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao nên nhà thầu giãn tiến độ hoặc ngừng thi công; một số chủ đầu tư còn chưa quyết liệt, chủ động triển khai dự án...dẫn đến tiến độ dự án bị chậm tiến độ.

Theo ông Phú, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Bình vừa qua đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất điều chỉnh giảm Kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 còn trên 389 tỷ đồng;  tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Quảng Bình điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án dư vốn và các dự án vướng mắc không giải ngân được bổ sung cho các danh mục chưa hoàn tạm ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện thu hồi tạm ứng ngân sách Trung ương nhằm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cho biết, đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng của tỉnh trong năm 2021. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng đã có các chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành giải ngân vốn vào cuối năm 2021.

“Nếu không giải ngân hết số vốn bố trí theo kế hoạch thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Riêng đối với dự án vướng mắc dự kiến không giải ngân hết vốn, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư cần lên kế hoạch chi tiết số vốn dự kiến giải ngân từ nay đến hết năm 2021 và đề xuất kéo dài sang năm 2022 hoặc điều chuyển vốn sang các dự án khác để nâng cao tỷ lệ giải ngân”, ông Hùng nói thêm.

Quảng Bình: Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã ký kết biên bản hợp tác đầu tư
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, có quyết tâm đồng hành cùng tỉnh để triển khai thực hiện các dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư