Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam - địa chỉ đỏ trên bản đồ đầu tư
Ngọc Tân - 07/02/2017 07:35
 
Với những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng, chính sách, tỉnh Quảng Nam đã trở thành miền đất hứa đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự gắn bó dài lâu của những thương hiệu lớn trên mảnh đất Quảng Nam đã chứng minh điều này.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện

Tính trong vòng 5-7 giờ bay, Quảng Nam ở vị trí trung tâm của các vùng kinh tế năng động nhất khu vực Đông Á như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Về kết cấu hạ tầng, Quảng Nam có sân bay Chu Lai, là một trong những sân bay lớn của miền Trung. Tại đây, hàng ngày có các chuyến bay đi Hà Nội, TP.HCM và hiện đang được nghiên cứu xây dựng thành sân bay trung chuyển hàng hoá quốc tế cấp 4F và trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hạng nặng của Việt Nam. Ngoài ra, Sân bay Đà Nẵng chỉ cách TP. Tam Kỳ (thủ phủ của Quảng Nam) khoảng 70 km về phía Bắc với nhiều chuyến bay quốc tế đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan…

Tuyến đường ven biển nối Hội An đến Chu Lai, tạo lợi thế lớn cho thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam.
Tuyến đường ven biển nối Hội An đến Chu Lai, tạo lợi thế lớn cho thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam.

Ngoài sân bay, Quảng Nam còn có cảng biển công suất lớn là cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT. Cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp gần tuyến hàng hải quốc tế Bắc - Nam, nên được đánh giá rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá với các tuyến trong nước và quốc tế. Hơn nữa, cảng Đà Nẵng cũng không xa với Quảng Nam. Đây là cảng biển lớn của khu vực miền Trung có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, tàu container 3.000 teus.

Về đường bộ, Quảng Nam nằm trên trục giao thông quốc gia với  hệ thống Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai, các tuyến quốc lộ thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, đảm bảo giao thông thông suốt với tất cả các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Vị trí chiến lược, cộng thêm nền tảng là sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, sở hữu đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển thuộc trục giao thông quốc gia, quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Nam có thể thu hút những nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Theo số liệu UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến nay, tỉnh đã thu hút được 126 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 5,5 tỷ USD từ những nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia… Ngoài ra, các tổ chức hợp tác quốc tế lớn như UNDP, UNESCO, WB, ADB, OPEC… đã có nhiều hoạt động hợp tác với tỉnh trong việc lập quy hoạch và đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao lưu văn hoá…

Thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch

Từ nhiều năm qua, lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Nhiều nhà đầu tư lớn đến với tỉnh đã tạo ra động lực lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống người dân.

Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến như Tập đoàn Ô tô Trường Hải - THACO, Suntory - Pepsico, Nhà máy bia Việt Nam VBL, thiết bị vệ sinh Inax, thiết bị ngành dệt may Groz-Beckert và các thương hiệu du lịch - dịch vụ nổi tiếng như The Nam Hai, Sân golf Montgomerie Links, Victoria, Gold Sand, Palm Garden… 

Trong năm 2016, các nhà đầu tư lớn trên thế giới vẫn tiếp tục chọn Quảng Nam là điểm đến để thực hiện các dự án của mình như Nhà máy Sasaki Shoko Việt Nam (chuyên về sản xuất lưới lồng và các loại lưới phục vụ nuôi trồng thủy sản), Nhà máy M&H Industry Việt Nam tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Ngoài ra, trong năm 2016, còn có 46 công ty chuyên cung cấp linh kiện, vật tư cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã đến Chu Lai xúc tiến đầu tư và nhiều nhà đầu tư khác cũng thỏa thuận địa điểm, chuẩn bị đầu tư vào Chu Lai. Đặc biệt, vào hồi tháng 4/2016, Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises đã tiến hành động thổ khởi công Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Để tạo làn sóng mới đầu tư vào tỉnh, Quảng Nam ý thức được việc phải có cơ chế hành chính thông thoáng, minh bạch và những điều kiện thuận lợi khác để hỗ trợ cùng nhà đầu tư, giúp họ thực hiện thành công dự án.

Một trong những cơ chế là Quảng Nam áp dụng giá đất cạnh tranh. Và tùy lĩnh vực đầu tư, dự án có thể được miễn tiền thuê đất chưa có kết cấu trong thời gian 11 năm, 15 năm hoặc suốt thời hạn triển khai dự án. Ngoài những quy định chung, những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng sẽ được UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách đặc thù.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu cho biết, Quảng Nam đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính, thực hiện mô hình hành chính công, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư so với quy định chung.

Quảng Nam: Dấu ấn 20 năm
Sau 20 năm “ra riêng”, Quảng Nam đã tạo dựng cho mình vị thế vững chắc, có sức lan tỏa, ảnh hưởng và tác động lớn tới sự phát triển của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư