Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam bứt phá từ… cao tốc
Hà Minh - 26/02/2017 21:16
 
Theo kế hoạch, tháng 6/2017, đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ được thông xe, đưa vào sử dụng, tạo cơ hội để Quảng Nam đánh thức vùng kinh tế phía Tây của tỉnh và tạo điều kiện cho phía Nam, Đông Nam bứt phá.
TIN LIÊN QUAN

Tăng tốc

Từ Đà Nẵng, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn đường cho chúng tôi đi về hướng Quảng Nam. Dường như những ngày đầu năm 2017, tiến độ trên từng gói thầu dự án được đẩy nhanh hơn.

“Toàn tuyến quyết tâm tập trung lực lượng trang thiết bị, đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chất lượng với mục tiêu thông xe đoạn tuyến JICA (từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ) vào tháng 6/2017. Đoạn còn lại thông xe vào cuối năm 2017”, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết.

Các nhà thầu đang tập đẩy nhanh tiến độ gói thầu phần vốn JICA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Hà Minh
Các nhà thầu đang tập đẩy nhanh tiến độ gói thầu phần vốn JICA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Hà Minh

Băng qua hầm xuyên qua núi Eo (huyện Duy Xuyên), qua những bậc tam cấp lên đỉnh của ngọn núi này, phóng tầm mắt ra xa giữa đồi núi trập trùng với màu xanh thẳm của núi rừng, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hiện rõ hình hài.

Tại từng hạng mục của các gói thầu, các kỹ sư, công nhân các nhà thầu đang căng mình chạy đua cùng tiến độ để đưa dự án vào sử dụng theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải. Theo ông Hoàng Việt Hưng, hiện tiến độ Dự án đạt gần 70%. Những tháng đầu năm nay, thời tiết thuận lợi, các đơn vị tập trung hoàn thiện nền, thảm bê tông nhựa. Trong đó, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đạt gần 85%.

“Nhiều gói thầu cơ bản xong bê tông nhựa lớp dưới, cầu cống trên tuyến. Bên cạnh việc đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công các hạng mục nền đường, cầu cống đang được duy trì, quản lý, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật”, ông Hưng khẳng định.

Cũng theo ông Hưng, ngay từ đầu năm 2017, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã huy động thêm 10 cán bộ cho Dự án. Ban Quản lý dự án đang phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm mặt bằng. Đồng thời, đơn vị đẩy nhanh khối lượng giải ngân, báo cáo Bộ sử dụng nguồn tiền thu phí của VEC để giải ngân sớm cho các nhà thầu đã được nghiệm thu khối lượng, nhằm tạo nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ.

“Theo chỉ đạo từ VEC, để đạt được mục tiêu tháng 6/2017 đưa vào khai thác đoạn tuyến JICA dài 65 km, đến ngày 30/4, các nhà thầu thi công phải hoàn thành toàn bộ các hạng mục trên chính tuyến”, ông Hưng cho biết thêm.

Kết nối khu vực, tạo tiền đề cho chuỗi logistics

Có sống ở dải đất miền Trung, đối phó với hàng chục cơn bão, lũ mỗi năm, chứng kiến những vất vả, cực nhọc, những mệt mỏi căng thẳng của người dân và phương tiện lưu thông mỗi khi cầu đường bị thiên tai chặt đứt gây chia cắt, ách tắc giao thông mới cảm nhận được mong ước có một tuyến đường vững vàng “vượt qua bão lũ”.

“92 km chiều dài, trải dài từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khi hoàn thành sẽ giải quyết được cơ bản những lo lắng về những trận mưa lũ kéo dài dai dẳng tại miền Trung, gây chia cắt giao thông, chặt đứt huyết mạch Quốc lộ 1A. Bởi trên tuyến này đã được thiết kế 4 điểm giao cắt với các tuyến quốc lộ của Quảng Nam, nên khi Quốc lộ 1A gặp sự cố, lập tức giao thông sẽ phân luồng về cao tốc”, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết: “Khi tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành mở rộng đoạn từ cảng Kỳ Hà nối với cao tốc. Đoạn tuyến này chỉ chừng 2,4 km, nhưng bề rộng sẽ đạt 80 m, hiện thực hóa xây dựng chuỗi logistics tại Quảng Nam thông cảng Kỳ Hà”.

Liên quan vấn đề trên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, trong chiến lược phát triển, Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải tại Quảng Nam cũng đã vạch ra vai trò của chuỗi logistics mà Thaco xây dựng thông qua cảng Tam Hiệp, cảng đầu tiên ở miền Trung có các chuyến tàu vận chuyển container đến các cảng của Hàn Quốc.

“Dự án qua địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố. Đây là cơ hội thuận lợi của địa phương trong việc kết nối, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng của các vùng, miền trong khu vực. Đồng thời, sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư đến với vùng đất này, thúc đẩy và sự phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của nhân dân. Dự án cũng góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua Hành lang kinh tế Đông – Tây”, ông Đinh Văn Thu nhấn mạnh thêm.

Ông Thu cũng cho biết, trong năm 2016 - 2017, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh để mở rộng, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, đảm bảo kết nối đồng bộ với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến các thành phố, các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực của địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư