Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam tổ chức bình chọn quà tặng du lịch đặc trưng
Hồng Thu - 13/05/2015 10:12
 
Quảng Nam tổ chức cuộc thi “Bình chọn sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của Quảng Nam" nhằm tìm ra được sản phẩm độc đáo, thu hút nhu cầu mua sắm của du khách và bảo tồn được các giá trị văn hóa...

Quảng Nam là nơi có nhiều lơi thế về du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Là địa phương duy nhất của Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Lợi thế đặc biệt khác của tỉnh là có 125 km bờ biển cát trắng, nắng vàng, nhiều bãi biển với cảnh quan đẹp nổi tiếng, được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh nên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, ở địa phương này còn có khu dự trữ sinh quyển thế giới đảo Cù Lao Chàm với những vẻ đẹp hoang sơ, nhiều loại sản vật quý hiếm.

Tuy nhiên, để thu hút hơn nữa nguồn khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đến nơi này, đòi hỏi phải có sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Quảng Nam.

Công chúa Thái Lan đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) trong một lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam
Công chúa Thái Lan đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) trong một lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam

 

Chính vì thế, ngày 12/2/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 658/KH-UBND về việc tổ chức cuộc thi: “Bình chọn sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của Quảng Nam”. Hội đồng bình chọn đã ban hành thể lệ như sau:

Đối tượng tham gia: Mọi tổ chức, cá nhân có sản phẩm hoàn chỉnh; có khả năng thiết kế, sản xuất ra mẫu sản phẩm hoàn chỉnh đều có thể tham gia dự thi. Khuyến khích tổ chức, cá nhân có thêm năng lực tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm đến khách du lịch. Các thành viên Ban Tổ chức và Hội đồng xét chọn sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của Quảng Nam không được tham gia.

Thời gian nhận sản phẩm dự thi: Từ ngày 20/4 đến 31/5/2015.

Tháng 6/2015 vòng sơ khảo sẽ được tiến hành để xét chọn và trưng bày những sản phẩm được chọn để lấy ý kiến. Tháng 7/2015 sẽ xét chọn sản phẩm vào vòng chung khảo và tổng kết công bố sản phẩm đạt giải vào tháng 8/2015.

Ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Với tiêu chí được đặt ra là sản phẩm phải thể hiện được ý nghĩa, nội dung giới thiệu về Quảng Nam như: Di sản văn hóa thế giới; Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn. Biểu trưng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; danh nhân tiêu biểu của Quảng Nam như: Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...Các công trình kiến trúc, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng... Phong cảnh thiên nhiên, làng quê, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Quảng Nam".

Ban Tổ chức cũng quy định: Sản phẩm quà tặng du lịch phải gọn, nhẹ, có giá trị nghệ thuật cao, bố cục đẹp, màu sắc hài hòa, sản phẩm dễ sử dụng, đóng gói, di chuyển và giá thành hợp lý. Sử dụng chất liệu như: thổ cẩm, đồng, gỗ, gốm, sứ, gang, composite...có độ bền chắc, đẹp, tạo được cảm tình và ấn tượng với người sử dụng, khuyến khích sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Đồng thời, sản phẩm tham gia bình chọn không phải là sản phẩm sao chép; việc sản xuất sản phẩm đó không vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ và các quy định khác. Ban Tổ chức sẽ toàn quyền sử dụng không phải xin phép tác giả về mẫu sản phẩm đạt giải để tham gia giới thiệu tại các sự kiện du lịch, giới thiệu trên các ấn phẩm, trang web hoặc làm quà tặng cho các đại biểu khi đến Quảng Nam. Các sản phẩm đã gửi tham gia dự thi sẽ không được hoàn trả lại cho người dự thi.

Cơ cấu giải thưởng bao gồm 01 giải nhất: 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng. 03 giải khuyến khích, mỗi giải 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). 20 sản phẩm được chọn vào vòng chung khảo, mỗi sản phẩm được hỗ trợ 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).

Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết thêm: Năm 2014, tỉnh Quảng Nam đón gần 4 triệu lượt khách đến tham quan và lưu trú, trong đó có hơn 1,7 triệu du khách quốc tế nhưng vẫn chưa khắc họa được nét đặc trưng đối với du khách. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn qua cuộc thi này, chúng tôi sẽ tìm ra được sản phẩm độc đáo, thu hút nhu cầu mua sắm của du khách và bảo tồn được các giá trị văn hóa, bảo tồn làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh, ông Cường chia sẻ.

Quảng Nam: Phát triển 16 làng nghề truyền thống
Để phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư