Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Quảng Nam: Phát triển 16 làng nghề truyền thống
Linh Chi - 08/04/2015 13:01
 
Để phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư hơn 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển 16 làng nghề có tiềm năng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Quảng Nam làm chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho cây quế
Làng nghề An Nhơn tất bật vào vụ Tết
Bắc Ninh: 2 làng đồ tre được công nhận làng nghề truyền thống

Đây là các làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển gắn với các điểm, tuyến du lịch tại các huyện, thành phố, gồm: Làng nghề gốm Thanh Hà, Làng nghề mộc Kim Bồng, Làng nghề rau Trà Quế; Làng nghề đèn lồng (TP Hội An); Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, Làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây (huyện Điện Bàn); Làng chiếu cói Bàn Thạch, Làng nghề dệt chiếu An Phước, Làng nghề dệt vải Tơ lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên); Làng nghề dệt chiếu cói xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ); Làng nghề truyền thống Mộc Văn Hà (huyện Phú Ninh); Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Bhờ -Hôồng, Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đhờ- Rôồng (huyện Đông Giang); Làng nghề dệt thổ cẩm Zara (huyện Nam Giang); Làng nghề dó trầm hương xã Quế Trung (huyện Nông Sơn)

Quảng Nam tập trung phát triển 16 làng nghề truyền thống
Tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư hơn 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển 16 làng nghề có tiềm năng

Theo Đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020 vừa được UBND tỉnh quyết định phê duyệt ngày 7/4, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông làng nghề, xây dựng kè bảo vệ làng nghề, cầu tàu du lịch, hệ thống cấp thoát nước, cải tạo cảnh quan môi trường, hệ thống điện chiếu sáng, cổng chào du lịch làng nghề, nhà vệ sinh công cộng; sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường.

Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu (đay, cói, dâu tằm); hỗ trợ trang thiết bị máy móc (máy dệt chiếu, máy may...); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới; xúc tiến thương mại (hội chợ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm); xây dựng bản đồ và tập gấp giới thiệu làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch; đào tạo tập huấn... cho các làng nghề.

Trong giai đoạn 2015-2020, Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu có 100% làng nghề có lao động được đào tạo qua các nghiệp vụ; 100% số làng được hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, Festival di sản Quảng Nam; 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành.

Đặc biệt, Quảng Nam phấn đấu thu hút trên 60.000 lượt khách du lịch đến với các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh mỗi năm; tạo thêm việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn tại các làng nghề, làng nghề truyền thống có gắn với các hoạt động du lịch; và nâng mức thu nhập các hộ hoạt động làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch từ 1 - 2 lần so với sản xuất thuần nông.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư