Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam và cú hích từ hạ tầng giao thông
Hà Minh - 06/03/2017 08:45
 
Nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua đã tạo cú hích trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
TIN LIÊN QUAN

Đường mòn ký ức

“Ngày chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng, tuyến đường từ Đà Nẵng về Hội An (Quảng Nam) chỉ rộng vài mét, lại khấp khểnh. Chúng tôi cứ mải miết đi, mãi không đến Hội An. Đường bụi mù, nhà cửa hai bên cũ kỹ, xập xệ”, kiến trúc sư Huỳnh Tòa, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nhớ lại.

Đường liên tỉnh là vậy, tuyến Quốc lộ 1A từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ (thủ phủ của Quảng Nam) cũng chẳng khá hơn, cũng nhỏ hẹp và đầy rẫy… ổ voi. Tuyến đường này chỉ dài chừng 70 km mà đi mất nguyên một buổi mới tới thị xã Tam Kỳ. Các tuyến giao thông về các huyện, nhất là miền núi còn thê thảm hơn. Đi công tác miền núi khi gặp trời mưa có khi mất cả tuần chưa đến nơi.

Cầu cửa Đại nối Hội An với vùng Đông Quảng Nam, tạo cú hích về thu hút đầu tư của địa phương. Ảnh: Hà Minh
Cầu cửa Đại nối Hội An với vùng Đông Quảng Nam, tạo cú hích về thu hút đầu tư của địa phương. Ảnh: Hà Minh

Hệ quả của giao thông khó khăn đã kéo theo các ngành, lĩnh vực khác gần như dậm chân tại chỗ. Vì vậy, muốn đưa Quảng Nam phát triển, bài toán cần giải trước tiên là hạ tầng, trong đó, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Vậy là, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Nam bắt tay vào làm hạ tầng, ưu tiên giao thông để dẫn lối cho các ngành kinh tế khác, tạo cú hích và tìm hướng đột phá về đầu tư.

Từ trục Quốc lộ 1A, từ tỉnh lị Tam Kỳ, từ những thị tứ, thị trấn… các tuyến: Quốc lộ 14B, 14D, 14E, Quốc lộ 24C được hình thành. Hệ thống đường tỉnh lộ được mở rộng, nâng cấp, đảm bảo giao thông thuận lợi.

Rồi đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A hiện hữu, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chuẩn bị thông tuyến; đường Trường Sơn Đông đã hoàn thành nhiều đoạn, đặc biệt tuyến ven biển 129 và cầu Cửa Đại được đầu tư, đưa vào sử dụng năm 2016 đã đánh thức gần 6.000 ha vùng Đông. Khu vực này, theo ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, đang như một thỏi nam châm hút các nhà đầu tư tầm cỡ.

Để có hạ tầng đồng bộ như hiện nay, theo Sở Giao thông - Vận tải Quảng Nam, là nhờ tập trung nguồn lực của địa phương và tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ Trung ương, vốn trái phiếu chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cũng như vốn do các đơn vị, cá nhân đóng góp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2015 của Quảng Nam là hơn 76.700 tỷ đồng, thì kết cấu hạ tầng giao thông chiếm gần 62%.

Kết nối khu vực

Là địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, trung điểm của hai đầu đất nước, Quảng Nam có vị trí thuận lợi để kết nối các địa phương trong nước, khu vực và quốc tế. Với tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây hiện hữu, Hành lang kinh tế Đông - Tây II đang được đề xuất đầu tư, sân bay Chu Lai được phê duyệt nâng cấp, Quảng Nam như mắt xích thuận lợi cho chuỗi Logistics kết nối, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường hàng không sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và đường biển tới các quốc gia ASEAN, Hàn Quốc và quốc tế thông qua cảng Tam Hiệp - Chu Lai của Thaco đã đưa vào vận hành.

Nhận diện vị trí then chốt và đặc biệt quan trọng này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã ưu tiên, chú trọng đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông để phục vụ kịp thời nhu cầu lưu thông hàng hóa, kết nối các tỉnh miền Trung và cả nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, hạ tầng giao thông thời gian qua dù đã được chú trọng đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguồn lực bố trí cho lĩnh vực này chỉ mới đáp ứng khoảng 25 - 35% nhu cầu. Trong khi đó, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng Đông - Tây, hạ tầng đô thị, nông thôn, nạo vét cảng Kỳ Hà, sông Cổ Cò, Trường Giang, hoàn thành đường Đông Trường Sơn, phát triển Cảng hàng không Chu Lai… đều là các dự án cần ưu tiên. Tất cả dự án đầu tư này đều cấp thiết, có khả năng tạo dựng nền tảng tăng trưởng kinh tế dài hạn hay phúc lợi xã hội, nhưng vẫn đang giẫm chân tại chỗ vì thiếu nguồn lực.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu cho biết, trong kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra, tỉnh Quảng Nam tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công; Phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông. Trong đó, đề nghị Trung ương hỗ trợ để hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn như đường cao tốc, đường Đông Trường Sơn; phát triển Cảng hàng không Chu Lai; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt; xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng của tỉnh (các tuyến ven biển liên kết với quốc lộ, cao tốc), giữa đô thị và nông thôn; hoàn chỉnh hệ thống đường ĐT, hệ thống đường ven biển, nạo vét cảng Kỳ Hà, đảm bảo cho tàu 30.000 tấn hoạt động; nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang...

Kế hoạch cũng tập trung phát triển vùng Đông và vùng Tây Quảng Nam. Trong đó, vùng Đông là vùng động lực, có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với Dự án Nhà máy Nước giải khát Number One; xúc tiến các dự án mới về mở rộng không gian du lịch Nam Hội An, khu liên hợp công nghiệp dệt may tại KCN Tam Thăng, công nghiệp khí điện Tam Quang; mở rộng sản xuất công nghiệp cơ khí ô tô và phụ trợ ô tô. Tăng cường các mối quan hệ liên kết tác động tương hỗ phát triển đối với TP. Đà Nẵng và tổ hợp công nghiệp Dung Quất với hai khu vực phát triển phía Bắc là khu vực công nghiệp - du lịch Hội An - Điện Nam - Điện Ngọc; khu vực phía Nam là Khu kinh tế mở Chu Lai và TP. Tam Kỳ.

Cùng với đó, phát triển vùng Tây, mà trọng tâm là giải quyết vấn đề giao thông, thông tin, điện, các cơ sở y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ; tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, Tây Giang, tạo thị trường khu vực biên giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư