Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ngãi định danh trên bản đồ du lịch Việt Nam
Lãng Tâm - 01/07/2019 22:17
 
Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, cùng số lượng phong phú các di sản văn hoá, Quảng Ngãi đang nỗ lực để trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được ví như thiên đường giữa biển khơi.
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được ví như thiên đường giữa biển khơi.

Từ viên ngọc Lý Sơn...

Khi nhắc đến du lịch Quảng Ngãi, trước hết phải kể đến huyện đảo Lý Sơn - “vương quốc tỏi”. Được ví như “thiên đường giữa biển khơi”, cách đất liền 15 hải lý, Lý Sơn được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên độc đáo với sự hòa quyện giữa núi và biển. Hoạt động phun trào của núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn hôm nay với thềm địa chất có niên đại từ hàng triệu năm và những vách đá kỳ vĩ.

Đảo Lý Sơn có gần 100 di tích lịch sử văn hóa như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, khu mộ gió cai đội Phạm Quang Ảnh và các dân binh, dinh Thiên Y A Na, các lăng, miếu thờ thần Nam Hải, thần Bạch Mã... Đồng thời, huyện đảo Lý Sơn còn lưu giữ được nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc như: lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền, lễ hội đình làng An Hải. Bên cạnh đó, đảo còn có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những sản phẩm nổi tiếng cả nước như tỏi, hành, hải sâm, rong biển…

Với phong cảnh đẹp, hoang sơ, cùng truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc riêng, từ khi có điện lưới quốc gia, lượng khách du lịch từ đất liền ra đảo Lý Sơn ngày càng tăng.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng, huyện Lý Sơn đã mở các lớp tập huấn cho người dân tham gia làm du lịch như tận dụng những ngôi nhà có kiến trúc cổ để giới thiệu cho du khách hoặc có thể làm nơi lưu trú. Bên cạnh đó, tập huấn cho người dân trong việc kinh doanh loại hình dịch vụ homestay và các sản phẩm du lịch phục vụ du khách...

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Việt, năm 2014, khách du lịch ra Lý Sơn chưa tới 10.000 lượt người, đến năm 2018, con số đã tăng lên gấp 20 lần, đạt 230.000 lượt người, dự báo năm 2019 đạt 300.000 lượt người. Hiện toàn huyện có 121 cơ sở lưu trú đang hoạt động (trong đó có 7 khách sạn, 52 nhà nghỉ và 59 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay). Các cơ sở kinh doanh lưu trú ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của khách du lịch.

... Đến cát vàng Sa Huỳnh

Nếu Lý Sơn được xem là thiên đường du lịch nổi bật, làm nên thương hiệu của du lịch Quảng Ngãi, thì biển Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) chính là hòn ngọc ẩn dưới cát và đang dần hiển lộ vẻ đẹp.

Sa Huỳnh là tên gọi một vùng đất ven biển nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa phận các xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, cách trung tâm TP. Quảng Ngãi 60 km về hướng Nam. Ghé đến Sa Huỳnh, du khách cũng sẽ biết đến một khu di tích văn hoá Sa Huỳnh với diện tích 20.000 m2 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Khu di tích gồm phòng trưng bày ngoài trời, nhà trưng bày cùng với nhiều di tích, hiện vật khai quật được tại các địa phương... trở thành điểm đến mang giá trị du lịch và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Sa Huỳnh không chỉ là nơi chứa đựng các di tích khảo cổ học của nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây hơn 3.000 năm, mà còn nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng trữ tình. Bãi biển Sa Huỳnh trải dài khoảng 5 km, ăn sát Quốc lộ 1A với cát mịn vàng, dáng thế cong cong hình bán nguyệt, ôm trọn lấy núi rừng và bầu trời xanh vô tận.

Ấn tượng với những ai từng đi qua vùng cuối địa đồ tỉnh Quảng Ngãi về hướng Nam này là những dãy núi chênh chếch ra sát biển, tạo nên những ghềnh đá, mỏm đá kỳ thú. Vẻ đẹp của thiên nhiên lại được điểm tô với cánh đồng muối trắng, bãi cát vàng, hàng dương xanh, các món ăn độc đáo (cua huỳnh đế, tôm hùm, mắm nhum...), khiến Sa Huỳnh trở thành nơi dừng chân lý tưởng cho du khách đến tham quan và khám phá.

Ông Nguyễn Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đức Phổ đã mời gọi nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển hạ tầng khu, điểm du lịch trên địa bàn. Hiện một số nhà đầu tư đã đề xuất các dự án lớn thuộc lĩnh vực du lịch như Khu nghỉ dưỡng Châu Me; Khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng King Bay Sa Huỳnh... UBND huyện Đức Phổ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu lập quy hoạch phân khu đầm An Khê, đầm Nước Mặn và khu vực phụ cận huyện, để đầu tư các dự án điện mặt trời kết hợp nuôi hải sâm, phát triển dịch vụ, du lịch.

Cùng với đầu tư mới, huyện cũng đang thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng để sớm hoàn thành đưa vào khai thác nhằm phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, đường trục chính Khu du lịch Sa Huỳnh (nối dài) đã thi công hoàn thành hạng mục Cầu Đầm, đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng.

“Bên cạnh hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng đã được hoàn thành, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch Sa Huỳnh, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn II), đường vào Khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh và mở cửa Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh…”, ông Thịnh cho biết.

Quảng Ngãi: Thúc thẩm định Dự án Khu đô thị lấn biển Lý Sơn
Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes được đề xuất có diện tích 54,65ha, nằm cạnh dự án cảng Bến Đình đang được xây dựng, ven...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư