Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Quảng Ngãi: Khát vọng và tầm nhìn chiến lược
Nhiệt Băng - 27/12/2023 09:08
 
Lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, đặt doanh nghiệp và con người là trung tâm, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi mở ra khát vọng, tạo ra những không gian sáng tạo, quan điểm, tư duy mới để đưa Quảng Ngãi phát triển bứt phá.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (bìa phải) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (bìa trái) trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tặng hoa cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (bìa phải) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (bìa trái) trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tặng hoa cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi

Doanh nghiệp và con người là trung tâm

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự kiện vinh dự có sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đông đảo nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chia sẻ, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước.

Theo đó, Quảng Ngãi lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; đặt doanh nghiệp và con người là trung tâm và là động lực chính của sự phát triển; xem đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng góp phần quan trọng trong việc nâng cao và đảm bảo chất lượng lao động cho nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài.

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch; phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện được các thế mạnh, điểm yếu của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, Quy hoạch tỉnh đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc, gồm: 2 trung tâm động lực tăng trưởng; 3 trung tâm đô thị; 4 hành lang kinh tế chiến lược; 6 vùng không gian kinh tế động lực.

Hai trung tâm động lực tăng trưởng gồm: hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia cùng trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng động lực miền Trung tại Khu kinh tế Dung Quất; phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Ba trung tâm đô thị gồm: đô thị trung tâm, với TP. Quảng Ngãi là hạt nhân; trung tâm đô thị phía Bắc, với thị xã Bình Sơn là hạt nhân; trung tâm đô thị phía Nam, với thị xã Đức Phổ là hạt nhân.

Bốn hành lang kinh tế chiến lược gồm: hành lang Bắc Nam (Dung Quất - TP. Quảng Ngãi - Sa Huỳnh); hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My); hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y); hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc Tỉnh lộ 622, 626 và Quốc lộ 24B (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng).

Sáu vùng không gian kinh tế động lực gồm: vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng động lực công nghiệp; vùng kinh tế sinh thái biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển đảo.

“Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực miền núi, trung du, duyên hải và hải đảo, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, cấu trúc này sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy phát triển công nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ; ngành nông nghiệp ngoài những thế mạnh hiện tại sẽ có những hướng phát triển mới nhằm tạo sự khác biệt và nâng cao khả năng cạnh tranh; dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần, bên cạnh các ngành kinh doanh dịch vụ truyền thống khác sẽ là sức bật mới giúp tạo dựng một hình ảnh Quảng Ngãi năng động hơn, đa sắc hơn và khác biệt hơn”, ông Minh tin tưởng.

Tuy nhiên, quy hoạch được phê duyệt chỉ mới là kết quả bước đầu. Để cụ thể hóa, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, Quảng Ngãi còn rất nhiều việc phải làm và cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa.

Chính vì vậy, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ lộ trình, nguồn lực thực hiện quy hoạch; xác định, lựa chọn đầu tư những công trình có tính kết nối, lan tỏa nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, mở rộng và định hình không gian phát triển.

Ông Minh tin tưởng rằng, trên nền tảng Quy hoạch và dư địa phát triển của tỉnh, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi cùng sự quan tâm, hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương, chắc chắn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Nhận diện điểm nghẽn, lối mòn để thay đổi

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng Trung bộ, Duyên hải miền Trung. Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đặt kỳ vọng thực hiện được những khát vọng cháy bỏng, đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; đồng thời mở ra khát vọng, tạo ra những không gian sáng tạo, quan điểm tư duy mới để phát triển Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch, Quảng Ngãi cũng cần nhìn nhận rõ những điểm vướng mắc, tồn tại.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi còn phụ thuộc chủ yếu vào một số ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên. “Quảng Ngãi có nên kỳ vọng mãi vào các trung tâm công nghiệp về hóa dầu hay không. Bởi vì, đến năm 2045, thế giới nói không với phát triển nguyên liệu hóa thạch”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng chưa đảm bảo; chưa có điều kiện, môi trường thu hút, giữ chân sinh viên sau khi hoàn thành các khóa học trong nước và quốc tế.

Thứ hai, Quảng Ngãi đang đối mặt với xung đột, chồng lấn, triệt tiêu lợi thế do cạnh tranh, thiếu liên kết vùng, liên kết ngành, bố trí không gian phát triển chưa hợp lý.

Thứ ba, tỉnh chưa khơi thông, phát huy được nguồn lực về tự nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc và nhân tố con người của Quảng Ngãi để tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững chất lượng cao…

“Trong giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ngãi cần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng cao hơn, cần tiến tới làm chủ chuỗi trong sản phẩm hàng hóa đó, đặc biệt là thiết kế, nghiên cứu triển khai, sản xuất chế tạo, cho đến hệ thống thương mại, tập trung vào chuỗi các giá trị lớn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức…”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Phó thủ tướng, Quảng Ngãi sở hữu nguồn tài nguyên lớn về công nghiệp văn hóa. Đây là nguồn tài nguyên đặc hữu, Quảng Ngãi cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, lịch sử, du lịch… mang tính cạnh tranh.

Đồng thời, Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi tập trung vào chuyển đổi xanh, năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Bởi trong xu thế hiện nay, nơi nào hội tụ được những yếu tố này, thì nơi đó sẽ được các nhà đầu tư tìm đến.

Chia sẻ về quá trình phát triển của Quảng Ngãi trong thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, địa phương luôn trăn trở tìm kiếm con đường phát triển, nhận diện những điểm nghẽn, lối mòn trong tư duy, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm trong hệ thống; vượt qua sự khác biệt, khuyến khích những cái mới, hun đúc, cổ vũ để cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo dựng nhiều giá trị mới.

“Quảng Ngãi đã không ngừng tìm tòi, kích hoạt sự năng động của mọi giai tầng xã hội. Có thể nói, Quảng Ngãi hiện là địa phương có nhiều dư địa cho sự đầu tư và phát triển trong tương lai”, bà  Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. GRDP tính theo giá hiện hành năm 2023 đạt 123.000 tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 4.200 USD/người, đứng thứ 2/14 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, đứng thứ 13 trên cả nước.

Trong 3 năm liên tiếp (2021 - 2023), tỉnh đều vượt thu ngân sách rất lớn. Tổng thu ngân sách trong 3 năm là 87.000 tỷ đồng, vượt 17.000 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao và vượt 23.000 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao (không tính tiền sử dụng đất). Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh đứng trong top 10 tỉnh, thành phố có số thu nội địa cao nhất cả nước.

“Nhìn lại quá trình đó, chúng tôi thấy được những quyết sách đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Trung ương và thế hệ lãnh đạo tỉnh đi trước. Đó là việc quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất, đặc biệt là xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại đây. Đó là việc hợp tác, đầu tư xây dựng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, biểu tượng cho quan hệ ngoại giao, tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Singapore. Lễ kỷ niệm 10 năm khởi công VSIP Quảng Ngãi vừa được tổ chức vào ngày 23/12. Đây là những nền tảng, tiền đề và là bệ phóng đưa Quảng Ngãi có những bước phát triển mạnh mẽ”, ông Minh chia sẻ.

Quảng Ngãi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Chỉnh trang Khu dân cư Tây Bàu Giang
UBND tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh thời gian, tiến độ thực hiện Dự án Chỉnh trang Khu dân cư Bàu Giang từ năm 2017 đến hết Quý IV/2024, gồm 4 giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư