Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ngãi kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho Lọc dầu Dung Quất
Hà Nguyễn - 26/12/2017 09:30
 
UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 25/12 đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
TIN LIÊN QUAN

Không phải là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), mà lần này đến lượt UBND tỉnh Quảng Ngãi đã “kêu khó” thay cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trong văn bản gửi lên Chính phủ vào ngày hôm qua (25/12), do ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký, thì theo nhận định, từ năm 2018, tình hình thị trường có nhiều bất lợi, bao gồm tình hình cung - cầu thị trường, cũng như các quy định mới của Chính phủ, sẽ khiến lợi nhuận của Lọc dầu Dung Quất giảm đi nhiều.

.
.

Do đó, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, nếu Chính phủ vẫn đồng ý thu điều tiết 7% từ 2018-2022, như đề xuất của Bộ Tài chính, mà không tính đến các yếu tố thị trường nêu trên, thì tình hình sản xuất - kinh doanh của Lọc dầu Dung Quất sẽ cực kỳ khó khăn.

“Thực hiện việc thu điều tiết này, Lọc dầu Dung Quất hàng năm sẽ lỗ từ 700 tới 3.800 tỷ đồng”, ông Trần Ngọc Căng cho biết.

Và vì lẽ đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, sẽ ảnh hưởng đến công tác cổ phần hóa, không thu hút được nhà đầu tư và kế hoạch IPO của Lọc dầu Dung Quất có khả năng không thực hiện được. Đồng thời, với kết quả này, cũng không đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng của các cổ đông chiến lược khi Lọc dầu Dung Quất tiếp tục bán cổ phần trong thời hạn 12 tháng kể từ khi phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ngãi thì việc Chính phủ ban hành Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 3/9/2016 đã giúp sản phẩm xăng dầu của Lọc dầu Dung Quất cạnh tranh ngang bằng với hàng nhập khẩu. Và chính sách này đã được thông báo cho các nhà đầu tư trong các đợt tiếp xúc chiến lược. Nay nếu thực hiện thu điều tiết, thì sẽ khiến nhà đầu tư đánh giá cơ chế của Nhà nước cho Lọc dầu Dung Quất là “không ổn định”, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Ngãi thậm chí còn cho rằng, việc thu điều tiết 7% nói trên sẽ khiến dòng tiền của Lọc dầu Dung Quất mất cân đối, việc thu xếp vốn cho kế hoạch mở rộng Lọc dầu Dung Quất sẽ không thực hiện được.

Việc thu điều tiết này cũng sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh bình đẳng của Lọc dầu Dung Quất. Theo lý giải của UBND tỉnh Quảng Ngãi, thì Lọc dầu Nghi Sơn có cam kết của Chính phủ  được hưởng ưu đãi 3-5-7% (3% với hóa dầu, 5% với LPG và 7% đối với xăng dầu) và Chính phủ cũng cam kết về tính ổn định chính sách áp dụng đối với Nghi Sơn trong vòng 10 năm.

Trong khi đó, Lọc dầu Dung Quất phải nộp thu điều tiết, mà đây thực chất là khoản thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất nội địa. “Như vậy, nếu thực hiện thu điều tiết như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tạo sự mất bình đẳng về chính sách và mất cạnh tranh bình đẳng ngay tại thị trường nội địa”, văn bản do ông Trần Ngọc Căng ký đã khẳng định như vậy.

Sau khi “kêu khó” cho Lọc dầu Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Chính phủ không thực hiện thu điều tiết 7% đối với Lọc dầu Dung Quất, để đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường, việc cổ phần hóa thành công, cũng như đảm bảo dòng tiền cho việc nâng cấp, mở rộng nhà máy.

Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng lo ngại Chính phủ vì trần nợ công mà sẽ giãn hoặc dừng cấp bảo lãnh cho các dự án và Lọc dầu Dung Quất vì thế sẽ bị ảnh hưởng. Bởi, các ngân hàng lớn trong nước như BIDV, VCB, Vietinbank đều khẳng định điều kiện tiên quyết để cho vay thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp Lọc dầu Dung Quất là phải có bảo lãnh Chính phủ.

Vì vậy UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Dự án Nâng cấp, mở rộng Lọc dầu Dung Quất, đồng thời cấp Thư bảo lãnh của Chính phủ đối với phần vốn vay dự án này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư