Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Quảng Ngãi phát huy di sản văn hóa gắn với du lịch
Thanh Chung - 13/02/2024 11:34
 
Được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp, cùng với bề dày lịch sử, văn hóa, Quảng Ngãi đang biến lợi thế này thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Nhiều hiện vật, tư liệu được trưng bày tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh
Nhiều hiện vật, tư liệu được trưng bày tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh

 

Sống trong lòng di sản

Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, tạo động lực cho du lịch phát triển. Trong đó, đẩy mạnh phát triển 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

Thời gian qua, tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức nhiều đợt khai quật di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, khai quật tàu cổ đắm tại các địa phương trong tỉnh.

Cùng với giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi còn có những cánh đồng muối, những bãi cát vàng và gành đá hàng triệu năm tuổi. Đặc biệt là có đầm An Khê - đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, là một di sản thiên nhiên quý báu và là môi trường sống của nhiều loài cá quý hiếm.

Tại đây còn có làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ - ngôi làng nằm trong vùng lõi của không gian văn hóa Sa Huỳnh với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp. Ngôi làng được các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện khi đi khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2017. Làng chỉ có hơn 80 hộ dân, nằm trên đồi núi đá ven biển, có diện tích khoảng 105 ha.

Đến với Gò Cỏ, du khách dễ dàng bắt gặp những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Chăm Pa mà cư dân làng chài này đã gìn giữ từ hàng ngàn năm trước, như các đền thờ, miếu mạo từ thời Vương quốc Chăm Pa, các giếng đá, cầu đá, nhà lợp mái tranh...

Hiện trong làng còn khoảng 12 giếng đá cổ, miếu mạo của người Chăm, nền đá dựng làng, tường rào đá bao quanh làng để ngăn thú dữ, giữ đất giữ làng.

Ngoài ra, qua canh tác, sinh sống, người làng Gò Cỏ phát lộ thêm nhiều bình gốm tùy táng của người Chăm cổ. Người dân tại khu vực làng Gò Cỏ rất coi trọng và gìn giữ những di tích này, họ đã biết làm du lịch với những gì thiên nhiên, tổ tiên để lại, cùng với phát huy nội lực của cả cộng đồng.

Bà Bùi Thị Vân, người dân làng Gò Cỏ cho biết, trước đây, chẳng ai biết làng Gò Cỏ ở đâu, nhưng từ khi được xây dựng thành điểm du lịch, ngôi làng trở nên nhộn nhịp và được nhiều du khách ghé thăm.

“Bao đời nay, chúng tôi sống giữa di sản mà chẳng biết. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Vậy mà giờ đây, trở thành làng du lịch, chúng tôi có việc làm ngay trên quê hương mình. Chúng tôi rất trân quý và gìn giữ những giá trị di sản văn hóa để tiếp tục trao truyền cho thế hệ con cháu”, bà Vân tâm sự.

Một người dân khác là bà Huỳnh Thị Thương phấn khởi nói, trước đây, hát bài chòi, hát hố chỉ để giao lưu, giải trí trong làng với nhau. Từ ngày Gò Cỏ trở thành làng du lịch cộng đồng, hát bài chòi, hát hố còn là sản phẩm để phục vụ du khách, giúp bà con có thêm thu nhập.

Mê mẩn vùng đất này, chị Nguyễn Thị Ánh, du khách đến từ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi ở lại đây 2 ngày và được trải nghiệm việc đánh bắt hải sản, trồng rau, củ, quả. Bà con trong làng làm theo cách truyền thống, không gây hại cho môi trường. Ở đây, các con tôi rất thích vì được hòa mình vào thiên nhiên”.

Một lãnh đạo UBND phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) cho hay, đời sống người dân khá lên trông thấy nhờ di sản này. Hy vọng trong tương lai, với sự đầu tư của các doanh nghiệp, Sa Huỳnh sẽ là điểm du lịch nổi bật ở miền Trung.

Phát huy giá trị các di tích

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 258 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 33 di tích cấp quốc gia, trên 160 di tích cấp tỉnh. Có 3 bảo vật quốc gia, gồm: tượng Chăm Pa Phú Hưng (thế kỷ IX - X) ; bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh ; bộ sưu tập gồm 14 hiện vật là trang sức vàng, bạc Chăm Pa đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Những địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ngãi có thể kể đến như Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định... Hàng năm, các điểm di tích này thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Đặc biệt, đảo Lý Sơn có tới 4 di tích văn hóa cấp quốc gia, 14 di tích văn hóa cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc khác. Đảo Lý Sơn cũng là nơi giao thoa tinh hoa của các nền văn hóa lớn như Chăm Pa, Sa Huỳnh và Đại Việt, với hệ thống di tích dày đặc.

Bên cạnh các di tích văn hóa, Quảng Ngãi còn có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; đua thuyền tứ linh; điện Trường Bà; nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor (huyện Trà Bồng); nghề dệt thổ cẩm truyền thống và nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê (huyện Ba Tơ). Riêng nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Theo ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cùng với nhiệm vụ phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia, trong tương lai sẽ kết nối với tuyến du lịch Sa Huỳnh theo loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.  

Quảng Ngãi đã ban hành Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trên cơ sở Đề án, tỉnh tập trung thực hiện giải pháp trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch.

Điển hình như đầu tư Dự án Khu di tích mộ và đền thờ danh nhân Bùi Tá Hán - vị  quan cai trị có công phát triển phồn vinh vùng đất này, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đây là dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, tri ân công đức của tiền nhân, giáo dục truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau, thu hút du khách đến với khu di tích.

Hay Dự án Khu du lịch văn hóa Thiên An (tại xã Tịnh An, TP. Quảng Ngãi) cũng đã hoàn thành các hạng mục công trình. Dự án có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, nhằm góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Hoàng Tuấn cho biết, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tập trung đầu tư kinh phí thực hiện quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; tăng cường quản lý nhà nước về di tích; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, nhằm phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng; tổ chức các sự kiện văn hóa...

Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở địa phương.

“Để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ngãi sẽ nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để mời gọi các doanh nghiệp lớn đến phát triển dự án du lịch. Tỉnh đặc biệt hướng đến du lịch sinh thái, du lịch xanh; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, làm tốt công tác xúc tiến và quảng bá... Qua đó, tạo bước đột phá, chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển du lịch cả vùng một cách bền vững”, ông Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh.

Kinh tế Quảng Ngãi bứt phá ngay từ đầu năm 2024
Ngay trong tháng 1/2024, tỉnh Quảng Ngãi đã thu ngân sách đạt hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó các chỉ số sản xuất công nghiệp, giá tiêu dùng, kim ngạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư