Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Quảng Ngãi yêu cầu đánh giá nguyên nhân dẫn đến du lịch chậm phát triển
Linh Đan - 07/10/2023 09:46
 
Quảng Ngãi yêu cầu đánh giá nguyên nhân dẫn đến du lịch của tỉnh chậm phát triển, từ đó xác định đâu là lực cản, khó khăn, cần có chính sách gì, để khơi thông các điểm nghẽn, hỗ trợ và thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo, đề xuất việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nội dung đề xuất cơ chế, chính sách chưa cụ thể; chưa có phân tích, đánh giá thực trạng, vấn đề khó khăn cần có chính sách hỗ trợ; chưa rõ về đối tượng, phạm vi, khái toán nguồn lực... làm cơ sở để đề xuất chính sách.

Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện đề xuất cơ chế, chính sách.

Trong đó, UBND tỉnh lưu ý cần đánh giá kỹ nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan) dẫn đến du lịch của tỉnh chậm phát triển; qua đó, xác định đâu là lực cản, khó khăn, cần có những chính sách gì, để khơi thông các điểm nghẽn, hỗ trợ và thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, phân tích và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng (OCOP) để xây dựng các tour, tuyến nhằm lưu giữ khách du lịch ở lại Quảng Ngãi, từ đó đề xuất cụ thể về nội dung chính sách, mức hỗ trợ, địa điểm thực hiện, đối tượng thụ hưởng chính sách, điều kiện, cách thức thực hiện chính sách phù hợp với quy định tại Luật Du lịch và tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh.

Cơ chế, chính sách cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển du lich cộng đồng, du lịch nông thôn, nhất là hỗ trợ các sản phẩm du lịch đã được xếp hạng OCOP nâng lên mức xếp hạng cao hơn; hỗ trợ các sản phẩm, điểm du lịch đang hình thành để đạt tiêu chuẩn xếp hạng OCOP.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn cũng cần hỗ trợ xây dựng mới sản phẩm du lịch nông thôn tại các điểm có tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch đã được xác định tại Đề án phát triển du lịch của tỉnh và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đầu tư hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng tại Đầm An Khê và các địa điểm thuộc Di tích quốc gia đặc biệt: Di tích khảo cổ Văn hoá Sa Huỳnh nhằm phát huy giá trị di tích, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; rà soát, lựa chọn, đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...) để hình thành các tuyến du lịch, liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch tại thành phố Quảng Ngãi, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh; lồng ghép các nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ du lịch nông thôn có lợi thế của tỉnh, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

“Nội dung đề xuất cơ chế, chính sách phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/12/2023 để xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện quy trình xây dựng cơ chế, chính sách theo quy định”, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu.

Triển khai quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng
Lâm Đồng rà soát việc triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa để đề xuất hướng xử lý phù hợp với quy hoạch phân khu, quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư