Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Quảng Ninh gỡ vướng mắc gây “nghẽn” giải ngân vốn đầu tư công - Bài 2: Không đổ lỗi cho khách quan
Thu Lê - 23/08/2022 08:55
 
Không riêng Quảng Ninh, cứ khoảng từ giữa năm trở đi, câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công lại trở nên nóng trên nhiều diễn đàn, mà nguyên nhân phần nhiều vẫn do yếu tố chủ quan.

Bài 2: Không đổ lỗi cho khách quan 

Nguyên nhân “cố hữu”

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, có một số nguyên nhân tồn tại “cố hữu” làm chậm tiến độ giải ngân, nhất là trong nửa đầu năm, thậm chí lan sang cả quý III. Những giải pháp cũng đã nhiều lần được đưa ra, song tình trạng giải ngân chậm vẫn lặp lại thì đó lại thiên về yếu tố chủ quan.

Nguyên nhân đầu tiên mà gần như dự án nào cũng mắc phải đó là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng bị chậm. Công tác này thực hiện chậm vì còn nhiều bất cập như xung đột về lợi ích, về đơn giá bồi thường vẫn chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường có sự không đồng nhất giữa dự án đầu tư công - áp giá kèm hỗ trợ và dự án đầu tư tư - áp giá kèm thỏa thuận…, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành...

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư công không đảm bảo tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra”, ông Cường khẳng định.

Dự án cao tốc Vân Đồn -Móng Cái chắc khó có thể khánh thành vào 1/9 tới đây nến công tác giải phóng mặt bằng không được thực hiện tốt để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ảnh tư liệu.
Dự án cao tốc Vân Đồn -Móng Cái chắc khó có thể khánh thành vào 1/9 tới đây nến công tác giải phóng mặt bằng không được thực hiện tốt để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ảnh tư liệu.

Nhóm nguyên nhân tiếp theo là do thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư công, đầu tư xây dựng, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, đấu thầu rất dài, trong đó có những gói thầu dự án thủ tục đấu thầu đến 6 tháng (như một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA, phải tổ chức đầu thầu quốc tế).

Cũng liên quan đến khâu lập dự án, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi đánh giá về công tác giải ngân vốn nửa đầu năm 2022 đã nhấn mạnh: “Không có dự án được triển khai thì lấy gì mà giải ngân”.

Theo kế hoạch, Quảng Ninh có 12 dự án mới, với tổng nguồn vốn bố trí là 2.196 tỷ đồng (chiếm 27,5% kế hoạch), đã có 10 dự án được khởi công, nhưng đều là dự án có quy mô vốn nhỏ. Một trong 2 dự án chưa được khởi công là Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều - giai đoạn 1, thì đã có tổng vốn là hơn 1.660 tỷ đồng (chiếm đến 75% tổng vốn của cả 12 dự án mới). Đúng ra, nếu dự kiến khởi công trong tháng 7, nhưng đến hiện tại chưa thực hiện được.

Mặt khác, tư duy “lối mòn” của một số đơn vị chủ đầu tư, chưa bắt nhịp đồng thời với pháp luật đầu tư công mới (Luật Đầu tư công 2014 và Luật Đầu tư công sửa đổi 2019). Với tư duy này, nhiều dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 có khâu chuẩn bị đầu tư làm sơ sài, thiếu sự điều tra, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Và đến khi có quyết định chủ trương đầu tư, được bố trí vốn, đặc biệt những dự án được đề nghị bố trí vốn cấp bách, việc triển khai lại gặp trở ngại, khó khăn vướng mắc, đẫn đến không thể giải ngân.

Nhiều yếu tố khách quan

Ngoài ra, những yếu tố khách quan, bất ngờ như sự biến động của giá xây dựng, giá nguyên nhiên vật liệu quá lớn ảnh hưởng phương án tài chính của các nhà thầu. Vướng mắc về nguồn đất đắp và vị trí đổ thải, giá thành nguyên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến các nhà thầu thi công.

Ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó tổng giám đốc điều hành cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, cho biết, sự biến động tăng giá mạnh của xăng dầu, nguyên vật liệu xây dựng đã khiến hầu hết các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, nội dung hợp đồng ký kết có điều khoản về trường hợp có biến động giá thì được điều chỉnh. Tuy nhiên, đây là về mặt nguyên tắc, còn thủ tục pháp lý chưa kịp thời, đã khiến nhà thầu lo lắng, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể, chưa hoàn thành theo đúng kế hoạch vào 30/6/2022. Chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh xin gia hạn, hoàn thành dự án trong quý III/2022.

Nhưng đấy là với dự án được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Còn với dự án đầu tư bằng ngân sách là cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, thì theo điều khoản hợp đồng là không được điều chỉnh giá, nên nhà thầu đã phải chịu lỗ để đảm bảo tiến độ dự án, cũng như đảm bảo hồ sơ năng lực để sau này còn tham gia các dự án khác.

Dự án cầu Cửa Lục 3 đã phải lùi thời gian hoàn hành từ quý I/2022 sang cuối năm. Ảnh: Đỗ Phương.
Dự án cầu Cửa Lục 3 đã phải lùi thời gian hoàn hành từ quý I/2022 sang cuối năm. Ảnh: Đỗ Phương.

Tương tự tại nút giao Đầm Nhà Mạc, hợp đồng hoàn thành vào tháng 7/2022 sau gần 2 năm thi công; nút giao Hạ Long Xanh hợp đồng hoàn thành vào tháng 4/2022 và cầu Cửa Lục 3 hoàn thành vào quý I/2022, nhưng đến nay đều đã gia hạn vì không đảm bảo tiến độ và điều chỉnh hoàn thành vào cuối năm nay.

Ông Trần Hải Đăng, Chỉ huy trưởng công trường thi công nút giao Hạ Long Xanh cho biết, không chỉ có chuyện giá tăng, mà còn có cả việc khan hiếm vật liệu. So với giá hợp đồng đấu thầu, hiện theo tính toán nhà thầu đang phải bù lỗ do giá sắt thép, nguyên liệu tăng gấp 2, giá xăng dầu tăng dịp đầu năm 2022 cũng khiến cước vận chuyển 1,3 triệu khối đất đắp mua về công trường đã đội giá 1/3.

Thậm chí, có những dự án khi quyết định chủ trương đầu tư chưa thể tính toán được các yếu tố tác động từ công tác quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của giai đoạn tới, hoặc sự thay đổi chính sách về đơn giá giải phóng mặt băng, khiến một số dự án chưa phê duyệt dự án đã phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Một trong các dự án đang bị mắc vì lý do này có thể kể đến là dự án Đường ra bến cảng Hòn Nét - Con Ong.

Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 với tổng mức đầu tư là 209,5 tỷ đồng; do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Đến nay, do chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên trên 100 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu lên 369 tỷ đồng, khiến dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Vấn đề giải ngân chậm vốn đầu tư công tiếp tục nóng trên nghị trường của Kỳ họp giữa năm HĐND tỉnh Quảng Ninh – Kỳ họp thứ 9 diễn ra từ 7-9/7. Trong ảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn của các đại biểu.
Vấn đề giải ngân chậm vốn đầu tư công tiếp tục nóng trên nghị trường của Kỳ họp giữa năm HĐND tỉnh Quảng Ninh – Kỳ họp thứ 9 diễn ra từ 7-9/7/2022. Trong ảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn của các đại biểu.

Các dự án lĩnh vực y tế cũng gặp vấn đề tương tự. Theo quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, cụ thể tại khoản 4, Điều 44: “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”, nên đến nay, có 7/8 dự án y tế chuyển tiếp vẫn chưa được giải ngân với kế hoạch vốn 95 tỷ đồng.

Những yếu tố khách quan do biến động của giá cả, thời tiết, hay sự thay đổi của chính sách, quy định pháp luật thì không phải lúc nào cũng xảy ra. Nhưng với nhiều nguyên nhân “đã cũ”, những giải pháp cũng đã được đề ra từ lâu, vậy tại sao câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm vì những nguyên nhân này vẫn cứ “đến hẹn lại lên”?

Trả lời cho câu hỏi này, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ngoài những vấn đề mang yếu tố kỹ thuật, phục thuộc vào quy định, thủ tục của Trung ương, thì phía các địa phương phải quy trách nhiệm của người đứng đầu, phải phát huy tính sáng tạo, chủ động thực hiện phần việc của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư