Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ninh: Hai huyện miền núi biên giới đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao
Quỳnh Nga - 16/03/2024 07:37
 
Ngày 15/3, tại huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ Công bố đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Đây cũng là 2 huyện miền núi biên giới, dân tộc đầu tiên trong cả nước về đích giai đoạn này, trong đó huyện Tiên Yên đạt huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023.

Huyện Tiên Yên bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, với 4 xã và 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,9%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Song với sự vào cuộc quyết liệt, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã, tới từng thôn, bản và mỗi người dân, huyện Tiên Yên đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tiên Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nguồn: Quảng Ninh Portal.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt trên 16,2%/năm. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 toàn huyện đạt trên đạt 76,92 triệu đồng/người, riêng khu vực nông thôn đạt 74,02 triệu đồng/người, tăng 1,45 lần so với năm 2019 khi huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo Trung ương.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, xây dựng mới đồng bộ, kết nối giữa các xã với trung tâm huyện và các đô thị của tỉnh. Hạ tầng trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, các thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư đồng bộ hiện đại. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhất là mô hình phát triển kinh tế thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Huyện Tiên Yên là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra, với 6/10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 4/10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Nguồn: Quảng Ninh Portal.

Tại lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Yên đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và đặt ra mục tiêu phấn đấu cao hơn nữa trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quản Ninh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên cần tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, với phương châm "Xây dựng nông thôn mới là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc”, “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Trong đó, tập trung xây dựng huyện Tiên Yên là trung tâm văn hóa và là đô thị đầu mối giao thông của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới Việt - Trung; cửa ngõ ra biển của các tỉnh biên giới phía Bắc; là vùng phát triển công nghiệp, logistics, trọng điểm chế biến, giao dịch nông lâm sản khu vực.

Nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên tham dự buổi lễ. Nguồn: Quảng Ninh Portal.

Cũng trong ngày 15/3, tại huyện Bình Liêu cũng đã tổ chức Lễ đón nhận huyện đạt chuẩn NTM; công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sóong Cọ của người Sán Chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024. 

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 96%, xuất phát điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM rất thấp. Tất cả các xã, thôn, bản trên địa bàn huyện đều thuộc diện có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 60%.

Huyện có 7 đơn vị hành chính gồm 6 xã và 1 thị trấn; diện tích tự nhiên 470,76km2; dân số 33.386 người; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96% chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ...

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trao Quyết định công nhận huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới. Nguồn: Quảng Ninh Portal

Hết năm 2023, huyện có 6/6 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM ; trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt đô thị văn minh. Huyện đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình NTM, đến nay, Bình Liêu đã mang một diện mạo mới có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 65 triệu đồng/năm, tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2020. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó nước sạch theo quy chuẩn Bộ Y tế đạt 55,13%.

Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Hình thành và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể kết nối các vùng, địa phương. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy nội lực, “đánh thức” tiềm năng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung ứng có hiệu quả, gắn với nhiều mô hình kinh tế lâm nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng.

Với những kết quả đạt được trong 13 năm qua, huyện Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Nguồn: Quảng Ninh Portal.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua.

“Những kết quả đó là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, song trên hết, trước hết là sự quyết tâm, quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh và vai trò làm chủ của nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu ngày càng được nâng lên, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Thành quả và kết quả đó càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, chế độ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận lòng dân vững chắc được tăng cường, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững”, ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định.

Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, huyện Bình Liêu đặt mục tiêu cán đích NTM nâng cao vào năm 2025, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Tiếp tục giữ gìn văn hóa truyền thống; duy trì và phát huy các di sản văn hóa, phát triển các mô hình du lịch sinh thái - du lịch nông nghiệp - du lịch nông thôn để đưa huyện trở thành trọng điểm du lịch sinh thái, du lịch miền núi, biên giới với các sản phẩm trải nghiệm đa dạng, phong phú, khác biệt, giàu bản sắc.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nguồn: Quảng Ninh Portal

Nhân dịp này, các huyện: Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên và TP Móng Cái – nơi có Hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ đã đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làn điệu Soóng Cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ. Thời gian gần đây, làn điệu Soóng Cọ của người Sán Chỉ đã được các địa phương phục dựng và duy trì tổ chức thường niên, bài bản, quy mô. Qua đó, góp phần gìn giữ một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh.

Làn điệu Soóng Cọ của người Sán Chỉ, tỉnh Quảng Ninh.

Cũng tại buổi lễ, huyện Bình Liêu tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15/3 đến ngày 12/5/2024 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện Bình Liêu. Các hoạt động chính gồm: Ngày hội di sản Then, sẽ diễn ra ngày 14/4 tại thị trấn Bình Liêu; Hội Soóng Cọ giao duyên của người Sán Chỉ huyện Bình Liêu diễn ra từ ngày 20-30/4 tại xã Húc Động; Hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán huyện Bình Liêu diễn ra từ ngày 11-12/5 tại xã Đồng Văn.

Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) kích cầu du lịch với Lễ hội Đền Xã Tắc độc đáo
Vào ngày 9 - 10/3 tại Thành phố Móng Cái năm 2024 sẽ diễn ra Lễ hội Đền Xã Tắc. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện du lịch của thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư