Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Quảng Ninh sẽ dành hàng nghìn tỷ đồng để xây mới thêm hồ chứa nước
Thu Lê - 19/06/2023 16:41
 
Theo Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tỉnh sẽ dành hơn 2.000 tỷ đồng để xây mới các hồ chứa nước, nhằm đảm bảo việc cung cấp nước.

Chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, hiện tỉnh có 176 hồ, đập hoạt động cung cấp nước tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt cho người dân. Dung tích hữu ích của các hồ chứa trên 315 triệu m3. Trong đầu tháng 6, dung tích ở các hồ chứa đạt hơn 170 triệu m3 (khoảng 54% trữ lượng nước), nhiều hồ thuỷ lợi trên địa bàn có mực nước thấp hơn so với các năm trước. 

Tuy vậy, theo tính toán của các đơn vị quản lý, khai thác hồ đập trên địa bàn, nguồn nước này đảm bảo đủ để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Như tại địa bàn thị xã Đông Triều, 18 hồ do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều quản lý đang có dung tích chỉ đạt hơn 34% tổng dung tích thiết kế, chỉ đảm bảo cung cấp cho trong tháng 6 và đầu tháng 7 này. 

Khu vực miền Đông của Quảng Ninh cơ bản đảm bảo được lượng nước sử dụng trong khoảng 3 tháng. Khu vực miền Tây, 13 hồ do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập quản lý cũng có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ nhưng phần lớn đều cao hơn so với đường hạn chế cấp nước. Trong đó, riêng hồ Yên Lập - hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, cung cấp nước cho các đô thị Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí đang có dung tích hữu ích hơn 37 triệu m3. Trong trường hợp thời gian tới lưu vực hồ không có mưa hoặc mưa nhỏ, nguồn nước này chỉ vẫn đủ cung cấp cho các nhu cầu đến hết tháng 7/2023.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập đang triển khai nhiều phương án phòng chống mưa bão và chống hạn đảm bảo an toàn cho Hồ Yên Lập.jpg
Công ty Thủy lợi Yên Lập đang triển khai nhiều phương án phòng chống mưa bão và chống hạn đảm bảo an toàn cho Hồ Yên Lập

Trước dự báo nắng nóng, khô hạn kéo dài, cường độ có thể gay gắt hơn so với năm 2022 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tỉnh Quảng Ninh cũng mới ban hành văn bản triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn. 

Trong đó, yêu cầu các sở ban ngành, địa phương liên quan kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi, báo cáo định kỳ để có phương án phòng chống cụ thể; huy động kinh phí đảm bảo an ninh nguồn nước khi nắng hạn kéo dài; các công ty thủy lợi thực hiện phương án tích nước, điều tiết nước phù hợp. Đặc biệt, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh phải có phương án sẵn sàng lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Ông Trần Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cho biết: “Thời điểm này, đang là mùa nắng nóng, nên nhu cầu sử dụng nước sạch tăng lên khoảng 20-30%. Cùng với đó lượng nước thô tại các hồ, đập giảm sâu do thời tiết, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước”.

Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Ninh (QUAWACO) không ngừng tăng độ phủ giúp người dân được sử dụng nước sạch
Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Ninh (QUAWACO) không ngừng tăng độ phủ, giúp người dân được sử dụng nước sạch.

Trước thực trạng này, để ứng phó nguy cơ suy giảm nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, ngày từ thời điểm đầu mùa hè, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã chủ động các giải pháp, cụ thể như rà soát lại toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ tại các khu vực trạm bơm khai thác nước thô để tối ưu hoá trong sản xuất. Công ty cũng đã đầu tư một số tuyến ống bổ trợ nguồn nước, lắp đặt trạm bơm tạm; đồng thời tăng cường chỉ đạo các nhà máy, đơn vị sản xuất thực hiện thường xuyên quan trắc chất lượng nguồn nước để đưa ra các định lượng hóa chất phù hợp, đảm bảo tuyệt đối chất lượng nước sạch đầu ra. 

Còn ông Vũ Mạnh Huy, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh chia sẻ thêm: “Các công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn thường xuyên theo dõi nguồn nước và báo cáo về Chi cục Thuỷ lợi 5 ngày/lần để đảm bảo theo dõi số liệu, qua đó cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tính toán nhu cầu nước từng công trình một, có những định hướng chỉ đạo đảm bảo cấp nước cho sản xuất, phát huy hiệu quả nguồn nước và tiết kiệm nước khi cần thiết”.

Xây thêm các hồ chứa nước

Những năm gần đây, do thời tiết có những diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài, nên mực nước trong các hồ chứa ở Quảng Ninh thường xuyên ở tình trạng dưới mực nước chết, gây thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các địa phương. Điển hình như năm 2020, các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước nghiêm trọng cho các địa phương. 

Để có những giải pháp mang tính dài hạn, Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành “Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. 

Theo đánh giá hiện trạng về nguồn nước của Đề án này thì Quảng Ninh hiện có khoảng 30 sông, suối với chiều dài trên 10km. Trong đó có 4 con sông lớn: Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Mặc dù tổng lượng nước mặt của Quảng Ninh trung bình vào khoảng 8.146 triệu m3/năm, nhưng do đặc điểm địa hình chia cắt làm mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn cho việc đáp ứng nguồn nước cho các mục tiêu phát triển. Không những vậy, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt.

Thời điểm đầu tháng 6/2023, Hồ Đồng Đò 1 cung cấp nước tưới tiêu cho xã Bình Khê (TX Đông Triều), mực nước giảm còn 0,7 triệu m3. Ảnh: Minh Đức.
Thời điểm đầu tháng 6/2023, Hồ Đồng Đò 1 cung cấp nước tưới tiêu cho xã Bình Khê (TX. Đông Triều), mực nước giảm còn 0,7 triệu m3. Ảnh: Minh Đức.

Do đó, để đảm bảo nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong tương lai, một trong những phương án được đề ra là từ nay đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây mới các hồ chứa nước. Cụ thể, tại khu vực huyện Ba Chẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm (dung tích 1,2 triệu m3); huyện Hải Hà đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi (dung tích 7 triệu m3) và hồ Quảng Thành (dung tích 5 triệu m3); khu vực Cô Tô xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3); khu vực Vân Đồn hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng. Riêng khu vực Tây TP. Hạ Long – TP. Uông Bí – TX. Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000 m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho.

Ngoài ra, khu vực phía đông TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, Quảng Ninh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm. Giai đoạn 2026-2030, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi.

Nguy cơ thiếu nước trên toàn cầu
Các cú sốc liên quan đến khí hậu và nước ngày một leo thang trên toàn cầu, nhưng châu Phi là khu vực có nguy cơ cao và nghiêm trọng nhất với trẻ em.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư