Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quảng Ninh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
Thanh Tân - 07/05/2016 08:22
 
Theo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là một nhiệm vụ cấp bách trong chiến lược an ninh lương thực cũng như phát triển bền vững. Trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh diễn ra ngày hôm nay (7/5), ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh trao đổi về vấn đề này.

Vì sao Quảng Ninh lại xác định, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề cấp thiết hiện nay, thưa ông?

Những năm qua, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành tăng khả quan theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới.

Tuy chiếm tỷ trọng GDP không lớn trong cơ cấu kinh tế, nhưng nông nghiệp đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50% dân cư khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ninh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả toàn diện, tạo bước đột phá trong sản xuất, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện đời sống của nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị - xã hội khu vực nông thôn.

.
Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh

Tuy nhiên, có thể thấy, nông nghiệp Quảng Ninh còn bộc lộ những hạn chế. Tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, thiếu những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực, an toàn, gắn kết với thị trường. Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chưa khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất đai, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực đầu tư của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030” sẽ đưa ra những căn cứ, định hướng lớn nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế tỉnh và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước và quốc tế.

Vậy quan điểm, mục tiêu cơ bản của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh là gì?

Tỉnh Quảng Ninh xác định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thực hiện Đề án theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống.

Ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào trong quá trình tái cơ cấu. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã xác định, trong giai đoạn đến năm 2020, duy trì tốc độ tăng trưởng khá (bình quân 6 - 8%/năm), đạt 13.387 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Trong đó, thủy sản đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 11,5 - 12,5%/năm; trồng trọt, chăn nuôi đạt 6.335 tỷ đồng, tăng trên 6,4%/năm; lâm nghiệp đạt 1.052 tỷ đồng, tăng 8%/năm. Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha diện tích đất canh tác đạt trên 120 triệu đồng/năm. Cơ cấu ngành nông nghiệp trong GDP của tỉnh đến năm 2020 là 3-4%, năm 2030 đạt trên 10%/năm.

Ông có thể cho biết nội dung cơ bản của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quảng Ninh?

Thứ nhất, tái cơ cấu ngành trồng trọt trên cơ sở đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm, phát huy lợi thế vùng, miền; đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng các khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đến năm 2020, giá trị sản xuất đạt 2.680 tỷ đồng, giá trị sản xuất chiếm 11,19% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt 80.000 ha. Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 250.000 tấn, trong đó thóc đạt 209.000 tấn. Nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng một số sản phẩm chính, như nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn: cây thực phẩm, cây lương thực (lúa, cây ăn quả, cây dong riềng...); nhóm sản phẩm tiềm năng (hoa, cây cảnh); sản phẩm hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi (ngô, đậu tương...).

Thứ hai, về chăn nuôi, sẽ phát huy lợi thế về khả năng sản xuất một số loại vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đến năm 2020, tăng trưởng giá trị sản xuất đạt tốc độ bình quân 11,8%/năm, giá trị sản xuất chiếm 18,48% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành. Tỷ trọng sản xuất chăn nuôi hàng hóa trang trại tập trung và gia trại quy mô vừa và lớn chiếm trên 75%. Tập trung vào tái cơ cấu quy mô, giá trị theo đối tượng nuôi; ngành chăn nuôi theo tiểu vùng xét đến các yếu tố về điều kiện sinh thái, cơ sở hạ tầng, quỹ đất, phương thức chăn nuôi, tăng tỷ trọng sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao cũng như hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm.

Thứ ba, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần, sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và bền vững. Đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,5 - 12,5%/năm, đóng góp 60 - 65% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tăng bình quân 5,2%/năm. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD. Tập trung vào các đối tượng nuôi, đặc biệt nuôi trồng hải sản trên biển: cá biển, nhuyễn thể (tu hài, hầu, trai cấy ngọc...); nuôi mặn, lợ: tôm chân trắng, tôm sú; cá nước ngọt. Đối tượng nuôi theo thị trường tiêu thụ: xuất khẩu truyền thống, có khả năng xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Sản xuất giống thuỷ sản. Khai thác thủy sản xa bờ, sản phẩm khai thác từ biển...

Thứ tư, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu về gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... Đến năm 2020, nâng độ che phủ rừng duy trì và ổn định ở tỷ lệ 55%, tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8%/năm. Tổng sản lượng gỗ khai thác đến năm 2020 đạt 3,4 đến 3,9 triệu m3. Sẽ tập trung vào cơ cấu 3 loại rừng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng là 25.046 ha; rừng phòng hộ 133.253 ha; rừng sản xuất 268.677 ha, thực hiện cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp trong năm 2016 và 2017…

Thứ năm, tái cơ cấu ngành thủy lợi nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch và cho sinh hoạt của nhân dân. Cơ bản hoàn thành kiên cố hoá kênh mương vào năm 2020. Đảm bảo các hạng mục đầu tư thuỷ lợi như: hồ chứa với diện tích tưới ổn định là 20.513 ha đất canh tác. Đầu tư 110 đập dâng, diện tích tưới ổn định 5.737 ha đất canh tác. Đầu tư xây dựng mới 31,7 km kênh mương, nâng cấp, kiên cố hoá 683,3 km. Đầu tư nâng cấp và làm mới 208,54 km đê, trong đó có 180,04 km đê biển và 28,5 km đê sông…

Thứ sáu, phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn; phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm thế mạnh; phát triển ngành nghề nông thôn.

Thứ bảy, tái cấu trúc bộ máy các đơn vị trực thuộc ngành: đổi mới, hoàn thiện tổ chức, xây dựng bộ máy đồng bộ, tinh gọn (phòng, chi cục); chuyển giao nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương, giảm chi phí và cơ sở vật chất; chuyển đổi mô hình từ hoạt động sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, tự bảo đảm hoạt động.

Thứ tám, tái cấu trúc hợp tác xã nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...

Vậy thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp như thế nào, thưa ông?

Tỉnh Quảng Ninh xác định, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế biển, chuyển dịch từ trồng trọt sang chăn nuôi; lấy doanh nghiệp là nhân tố chính, tạo sức lan toả và liên kết với người dân, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, tăng cường xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đầu tư những trung tâm sản xuất giống thuỷ sản, nông nghiệp, chăn nuôi chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu cho phát triển hàng hoá.

Vì vậy, ngay tại hội nghị này, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các dự án ở nhiều lĩnh vực cơ bản, quan trọng. Trước mắt sẽ tập trung vào 4 dự án liên quan đến trồng trọt, cây công nghiệp; 4 dự án vào chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại; 3 dự án liên quan đến nuôi trồng, khai thác chế biến thủy sản, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và 1 dự án thu hút các nhà đầu tư vào các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Dẫn vốn vào nông nghiệp công nghệ cao
Việc nhiều địa phương “xuất quân” rầm rộ kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cùng sự hưởng ứng của những “sếu đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư