Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh thêm chính sách để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thu Lê - 07/09/2021 16:34
 
Nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại 3 cơ sở đào tạo lớn của tỉnh.

Ba cơ sở đào tạo này là Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt-Hàn và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025.

Với rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính vượt trội, Nghị quyết được kỳ vọng là đòn bẩy để các cơ sở giáo dục đào tạo này thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Theo các chính sách trong Nghị quyết, sinh viên tại Trường Đại học Hạ Long học hệ chính quy trình độ đại học các ngành cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Nuôi trồng thủy sản, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc) được thưởng nếu có điểm trúng tuyển cao theo từng mức cụ thể; được hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập; được thưởng nếu có điểm trung bình học tập và điểm rèn luyện trong học kỳ đạt loại giỏi; thưởng nếu tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc và được tuyển dụng ngay vào làm việc tại Quảng Ninh.

Trường Đại học Hạ Long là một trong ba cơ sở được tỉnh tập trung dành các chính sách ưu đãi
Trường Đại học Hạ Long là một trong ba cơ sở được tỉnh Quảng Ninh tập trung xây dựng các cơ chế chính sách để phát triển.

Học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh học một trong 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (Cắt gọt kim loại; Hàn; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Công nghệ ô tô) sẽ được quan tâm hỗ trợ tiền đóng học phí hàng tháng, tiền ăn, chi phí học tập và được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá của nhà trường nếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thuộc các xã khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an…

Đối với học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh hệ chính quy trình độ trung cấp, cao đẳng Y học cổ truyền thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, thuộc các xã khu vực I đạt loại khá thì được hỗ trợ tiền đóng học phí hằng tháng; nếu đạt loại giỏi thì được hỗ trợ tiền đóng học phí và được hỗ trợ tiền ăn, chi phí học tập theo quy định. Sau khi tốt nghiệp về làm việc sau 12 tháng và có cam kết làm việc từ đủ 36 tháng trở lên tại các xã khu vực I được hỗ trợ 30 triệu đồng/người.

Bên cạnh hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, Nghị quyết cũng có các chính sách thu hút và hỗ trợ giảng viên vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh với mức tiền 300 triệu đồng/giảng viên. Cùng với đó hỗ trợ 150 triệu đồng/giảng viên nếu được nhà trường cử đi đào tạo nâng cao trình độ các nghề phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo - động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Từ khi trường đi vào hoạt động từ năm 2015, qua các năm, quy mô tuyển sinh tăng nhanh, đặc biệt là cơ cấu tỷ lệ sinh viên hệ đại học tăng mạnh. Nếu năm đầu tiên tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên hệ đại học chỉ chiếm 17% tổng số sinh viên chính quy của toàn trường thì đến năm học mới này – 2021, dự kiến tỷ lệ này là 78%, tương ứng với hơn 4.000 sinh viên (lượng sinh viên hệ đại học là gần 1.400 người, tăng 25-30% so với năm 2020). Điều này có được là nhờ những chính sách hỗ trợ dành cho giảng viên và đặc biệt là cho sinh viên.

Đơn cử như với nhóm chính sách với sinh viên, khi mới thành lập, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 190/2015, quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập. Theo đó, sinh viên trong 2 khoá tuyển sinh 2015, 2016, được miễn học phí, được ở ký túc xá miễn phí, được hỗ trợ tiền mua dụng cụ học tập miễn phí, được hưởng học bổng nếu kết quả học tập đạt loại giỏi và xuất sắc. Qua đánh giá, trong 2 năm này, đã có 5.149 lượt sinh viên được hỗ trợ, với tổng số tiền là hơn 9 tỷ đồng.

Vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh họp đã thông qua nghị quyết mới để thay thế cho Nghị quyết 187/2019. Đó đều là chính sách hỗ trợ sinh viên vào học những ngành học mà tỉnh Quảng Ninh cần. “Trong giai đoạn phát triển tới, trường đang nghiên cứu mở mới các ngành đạo tạo liên quan đến truyền thông đa phương tiện, thiết kế mỹ thuật, thời trang, logistics, cảng biển, các ngành về kinh tế để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Do đó, cần có thêm những cơ chế chính sách mới để liên kết với các trường đào tạo khác, mời thêm được các giảng viên của những ngành nghề mới để trường có thể mở các ngành đào tạo mới này. Cùng với đó là giữ lại lượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi ở lại trường để giảng dạy....”, ông Vỹ chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư