Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ninh tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI chất lượng
Quỳnh Nga - 11/07/2024 15:09
 
Trong nửa đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Quảng Ninh đạt 1,55 tỷ USD, bằng 52% kế hoạch năm và tăng 118% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Quảng Ninh đạt 1,55 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI (sau tỉnh Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu), chiếm 10% tổng thu hút vốn FDI cả nước là 15,2 tỷ USD.

Có 22 dự án đầu tư được cấp mới, đây hầu hết đều là những dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của Quảng Ninh.

Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd, thuộc Tập đoàn Foxconn để triển khai tại KCN Sông Khoai AMATA và KCN DEEP C Quảng Ninh 2 (đều thuộc thị xã Quảng Yên).

Ngày 3/7, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Foxconn. Ảnh: Thanh Tân

Tập đoàn này đã đầu tư vào Quảng Ninh từ năm 2019 với Dự án S-Việt Nam tại khu công nghiệp Đông Mai, vốn đầu tư là 137 triệu USD. Đến năm 2023, Foxconn tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 246 triệu USD vào khu công nghiệp Sông Khoai AMATA. Và với 2 dự án đầu tư trên 550 triệu USD lần này, Tập đoàn Foxconn đã đầu tư tổng số 5 dự án tại tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn gần 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một số các dự án có thể kể đến như: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, huyện Hải Hà do Công ty Gokin Solar (Hồng Kông - Trung Quốc) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư là 274,8 triệu USD; Dự án sản xuất linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc của Công ty TNHH Tenma Việt Nam làm chủ đầu tư (56 triệu USD); dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính do Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam làm chủ đầu tư (57 triệu USD)...

Công nhân Công ty TNHH Competittion Team Technology Việt Nam (Khu công nghiệp Đông Mai, TX Quảng Yên) kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Báo Quảng Ninh 

Ngày 9/7 vừa qua, tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khởi động dự án dệt may của Công ty TNHH dệt may Black Peony (BP) Việt Nam với tổng vốn đầu tư 71,1 triệu USD. Đây là 1 trong 4 dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Hải Hà từ đầu năm 2024 với số vốn đăng ký 387,235 triệu USD.

Được xác định là một trong những trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà nằm trong định hướng không gian phát triển của tỉnh “Một tâm, hai tuyến, đa chiều và hai mũi đột phá”. Trong đó, huyện Hải Hà nằm trong Tuyến hành lang phía Đông của tỉnh, hướng tới kết nối thị trường Khu vực Đông Bắc Á, nằm trong Mũi đột phát thứ 2 là Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.

Tính đến nay, số dự án FDI được cấp giấy phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 196 dự án với tổng vốn đăng ký là trên 15,293 tỷ USD. Trong đó, TX Quảng Yên có 69 dự án, vốn đăng ký trên 5,4 tỷ USD; TP Cẩm Phả có 8 dự án, vốn đăng ký trên 4,2 tỷ USD, huyện Hải Hà có 29 dự án với số vốn đăng ký trên 3 tỷ USD; TP Hạ Long có 56 dự án với số vốn đăng ký trên 1,8 tỷ USD.

Với quan điểm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển, FDI là động lực quan trọng, thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn mới. Quảng Ninh  xác định chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, trong đó, tập trung thu hút và nâng chất FDI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Một góc thuộc khu công nghiệp Sông Khoai Amata. Ảnh: Amata

Có thể thấy, để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, giao cho các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời tỉnh đã ban hành nghị quyết, kế hoạch về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp thu hút đầu tư FDI trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

Foxconn tiếp tục rót hơn 550 triệu USD vào Quảng Ninh
Chiều ngày 3/7, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd, thuộc Tập đoàn Foxconn để triển khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư