Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
“Quầng sáng” trong bức tranh tối màu ngành thép
Chí Tín - 16/11/2016 08:52
 
Giá thép rơi tự do khiến đa phần doanh nghiệp ngành thép niêm yết lao đao, nhưng vẫn còn một số DN như Hòa Phát, Hoa Sen… có lợi nhuận khá tốt.

Doanh nghiệp thép trong “đại hồng thủy”

Giá quặng sắt thế giới liên tục đổ dốc trong những năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động thua lỗ của hàng loạt doanh nghiệp thép.

Tuy nhiên, theo quan sát của các nhà chuyên môn, bên cạnh sự thua lỗ của hầu hết các doanh nghiệp thép lớn, thì vẫn có một số doanh nghiệp tăng trưởng, chủ yếu trong khâu cuối của chuỗi giá trị thép. Đó là các hãng sản xuất thép phục vụ công nghiệp phụ trợ.

.
Giá thép giảm sâu khiến biên lợi nhuận của hầu hết công ty sản xuất thép giảm mạnh, thậm chí thua lỗ

Đưa ra những phân tích riêng về ngành thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hội hội Thép Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp thép Việt Nam chưa vận hành tối đa công suất, trong khi sản phẩm thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là phôi thép và sản phẩm cuối cùng. Chỉ tính riêng trong 3 quý vừa qua, nhập khẩu phôi thép đã đạt mức 1 triệu tấn và sản phẩm thép ở mức 13 triệu tấn.

Ông Sưa cho rằng, hiện nay, sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều thép, chủ yếu là những sản phẩm trong nước chưa cung ứng được như thép cán nóng HRC, thép chế tạo…

Đại gia thép vẫn đang chìm trong khó khăn là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (mã TIS, sàn UPCoM). Trong khi đó, Công ty cổ phần Thép Việt Ý (mã VIS, sàn HOSE) từng có những giai đoạn lao đao năm 2015 trước khi phục hồi trở lại vào năm 2016.

Những cổ phiếu thép ngược dòng trên sàn chứng khoán

Việc giá thép giảm sâu khiến biên lợi nhuận của hầu hết công ty sản xuất thép giảm mạnh, thậm chí thua lỗ, bởi thép là ngành rất nhạy cảm với biến động giá nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, nhìn vào từng phân khúc của ngành công nghiệp thép, khó khăn nhất là những doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dừng lại ở khâu cán thép. Bởi lẽ, tốc độ giảm giá của thép cán nóng HRC còn nhanh hơn tốc độ giảm giá quặng sắt trong giai đoạn 2015 - 2016. Ngược lại, tại phân ngành gia công sau cán, giá nguyên liệu đầu vào là thép cán giảm lại phần nào có lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào khâu cuối của chuỗi giá trị này.

Đối với một số doanh nghiệp cụ thể đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tình hình có vẻ đã “dễ thở” hơn từ quý II/2016, khi giá thép bắt đầu phục hồi. Ngoài ra, theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán VietinBank (VietinBankSc), giá thép hồi phục cùng việc thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài bắt đầu có hiệu lực là 2 yếu tố cộng hưởng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép tăng lên rõ rệt.

Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG, sàn HOSE) đã có kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá tốt trong quý III/2016. Cụ thể, tổng doanh thu quý III/2016 của Hòa Phát đạt hơn 8.300 tỷ đồng (cùng kỳ đạt hơn 6.900 tỷ đồng); lũy kế 9 tháng đạt hơn 23.700 tỷ đồng (cùng kỳ đạt hơn 20.600 tỷ đồng). Lợi nhuận lũy kế 9 tháng của công ty này đạt tới gần 4.700 tỷ đồng, gấp trên 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan sát một số cổ phiếu ngành thép đang niêm yết, có thể thấy những gương mặt khác cũng có tín hiệu phục hồi trở lại như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG, sàn HOSE), Công ty cổ phần Thép Tiến Lên (mã TLH, sàn HOSE), Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Kim khí (mã KKC, sàn HNX), Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG, sàn HOSE), Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC, sàn HOSE)…

Dự báo về thị trường thép trong giai đoạn từ nay đến hết 2016, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã SMC, sàn HOSE) cho biết, giá thép đang có xu hướng tăng, nhưng không bền vững.

Trong khi đó, việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền cũng có thể ảnh hưởng đến ngành thép. Cụ thể, ông Trump không ủng hộ các hiệp định thương mại tự do, nên sẽ ít nhiều gây khó khăn cho một số sản phẩm thép xuất khẩu vào Mỹ. Trong khi đó, thép từ Trung Quốc gặp rào cản tại thị trường Mỹ cũng có thể tràn sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, làm tăng áp lực cạnh tranh.

giá thép giảm sâu khiến biên lợi nhuận của hầu hết công ty sản xuất thép giảm mạnh, thậm chí thua lỗ
Lợi nhuận ngành thép: Không sợ hoà nhưng cũng đã qua thời phát
6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp thép lãi lớn khi ngành thép khởi sắc. Kết quả này được cộng hưởng từ việc giá thép phục hồi nhờ giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư