Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Quay cuồng với từ khóa "xung đột", "giá dầu", "lạm phát", "mở cửa", "giàu nhất hành tinh"
Khánh An tổng hợp - 05/03/2022 11:12
 
Nỗi lo xung đột, giá dầu, lạm phát leo thang; Du lịch lúng túng vì hai bộ nhiều ý; Sun Air mở cửa phân khúc hạng sang; 3 tỷ phú USD của Việt Nam thuộc nhóm giàu nhất hành tinh...

Nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch kinh doanh 2022 với nhiều thận trọng

.
Tập đoàn Hoa Sen lên 3 phương án cho kế hoạch kinh doanh 2022, phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào

Nhận định thị trường ngành thép năm 2022 sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường, Tập đoàn Hoa Sen đặt 3 phương án cho kế hoạch kinh doanh hợp nhất cho niên độ tài chính 2021-2022 với lợi nhuận sau thuế chạy từ 1.500 đến 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào. Lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2020-2021 của Hoa Sen là 1.500 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam kế hoạch kinh doanh năm 2022 với 5.950 tỷ đồng doanh thu thuần và 402 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kết quả năm 2021, BAF dự kiến doanh thu thuần giảm 43% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 25%.

Tổng Công ty Khí Việt Nam đặt mục tiêu kế hoạch năm 2022 với sản lượng hơn 9.1 triệu m3 khí; tổng doanh thu hơn 80,000 tỷ đồng (đi ngang so với năm 2021); lợi nhuận sau thuế 7,039 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước...

Sau khi vượt kế hoạch lợi nhuận 2021 hơn 79%, CTCP CNG Việt Nam đặt mục tiêu 2022 với mức tăng trưởng chỉ hơn 2%.Năm 2022, CNG đặt mục tiêu doanh thu hơn 3,232 tỷ đồng và lãi trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 7% và hơn 2% so với kết quả năm 2021...

Áp lực lạm phát gia tăng 

.
Giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước tăng cao tạp áp lực lên lạm phát ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Reuters 

Giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) trong tuần này đã tăng 7,1% lên mức 104,97 USD/thùng. Vốn đang neo ở mức cao, lại thêm chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng đã đẩy giá dầu tăng cao từng ngày.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, ngày 1/3, Liên bộ tài chính - Công thương tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu, đưa giá xăng RON 95 lên tiệm cận mức 27.000 đồng/lít, cao nhất kể từ năm 2005 đến nay.

Giá dầu thế giới và giá xăng dầu ở thị trường trong nước tăng cao đang tạo áp lực rất lớn đến lạm phát của Việt Nam, dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, mới tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

 “Nếu chỉ nhìn con số 1,68% thì thấy là thấp. Nhưng mô hình năm nay, CPI sẽ tăng dần, chứ không giảm dần như những năm trước. Vì vậy, mức tăng 1,68% lại là cao. Nếu cứ đà tăng dần như thế này, thì áp lực lạm phát là rất lớn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Có chung quan điểm, ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, năm nay, điều hành giá cả và lạm phát là khó nhất. “Khó nhất là bởi, đó là lạm phát nhập khẩu, lạm phát chi phí đẩy và chúng ta sẽ không thể kiểm soát được điều đó”, ông Đặng Đức Anh nói.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã nhấn mạnh điều này. “Khó nhất là giá dầu”, tất cả các quan điểm đều thống nhất như vậy.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải điều chỉnh giá để cân đối hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đã thông báo buộc phải tăng giá, dù đã cố níu sau các lần tăng giá xăng trước đó. Nhưng khi chi phí logistics tăng, lo ngại vòng tăng giá mới của chi phí sản xuất – kinh doanh có thể bắt đầu.

Du lịch lúng túng vì hai bộ nhiều ý trước thời điểm mở cửa du lịch quốc tế

.
Phương án đón khách du lịch quốc tế vẫn đang được lấy ý kiến các bộ, ngành

Các kế hoạch chuẩn bị cho thời điểm mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3 của doanh nghiệp du lịch đang đối mặt với những điều kiện mới.

Ngày 2/3, Bộ Y tế đã có phản hồi về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo công văn, Bộ Y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 ít nhất là 14 ngày và không quá 6 tháng, hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.

Quy định cũng yêu cầu du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp muốn di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày; trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh (kết quả từ phương pháp test nhanh được công nhận).

Với trẻ em dưới 12 tuổi và người có nguy cơ cao, Bộ Y tế cũng đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch. Những đối tượng này cũng phải có chứng nhận tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.

Về ứng dụng khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu du khách cài và sử dụng ứng dụng PC-COVID  trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam và luôn đảm bảo 5K.

Trong khi đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch kiến nghị giữ nguyên nhiều quy định như trong phương án đón khách trước đó đã đề xuất.

Nghĩa là, điều kiện để khách du lịch được đến Việt Nam là có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi "xuất cảnh", thay vì "nhập cảnh" như Bộ Y tế đề xuất. Chứng nhận tiêm vắc- xin đủ mũi hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh được giữ nguyên.

Bộ cũng kiến nghị du khách trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm Covid-19. Kết quả âm tính được tham gia các hoạt động du lịch. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt xét nghiệm ngay tại cửa khẩu, âm tính có thể du lịch luôn không cần cách ly.

Văn bản cũng nêu rõ quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt quốc tế, nội địa và tạo thuận lợi để hút khách đến Việt Nam.

Hiện tại, dự thảo đang được lấy ý kiến. Phương án đón khách chính thức sẽ được Chính phủ phê duyệt trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3.

Việt Nam góp 3 tỷ phú trong nhóm 1.000 người giàu nhất hành tinh

.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát lần đầu lọt Top 1.000 người giàu nhất hành tinh

Tạp chí Forbes vừa công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, đã nâng tổng tài sản ròng sở hữu lên 3,1 tỷ USD, tăng 200 triệu USD chỉ trong ít ngày qua, đa số mức tăng này đến từ diễn biến tích cực của cổ phiếu VJC.

Con số vượt mốc 3 tỷ USD đã đưa bà Thảo gia nhập danh sách 1.000 người giàu nhất hành tinh. Cụ thể là đang xếp thứ 988, tăng 125 bậc so với đầu tháng.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 6,2 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với ngày đầu tháng 3. Tuy vậy, con số này giảm 1,1 tỷ USD so với so với danh sách thống kê một năm trước.

Đặc biệt, giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG), đã tăng hơn 200 triệu USD, nâng tổng tài sản của vị doanh nhân này lên mức 3,4 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên, ông Long lọt top 1.000 người giàu nhất thế giới và hiện đứng thứ 892, đồng thời là người giàu thứ 2 Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận có 3 tỷ phú USD cùng lúc gia nhập nhóm 1.000 người giàu nhất hành tinh.

Có Sun Air, hệ sinh thái Sun Group thêm tròn vị

.
Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER

Hãng hàng không Sun Air của Tập đoàn Sun Group đã nhận được Giấy phép kinh doanh hàng không.

Với số vốn đăng ký 100 tỷ đồng, Sun Air tập trung vào dịch vụ máy bay phản lực thương gia (private jet). Đây cũng là hãng hàng không chung phân khúc hạng sang đầu tiên của Việt Nam, cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa.

Ở Việt Nam, khái niệm hàng không chung (general aviation) còn khá mới. Đây là hoạt động kinh doanh hàng không nhằm mục đích sinh lợi từ phương tiện bay dân dụng. Các loại phương tiện bay trong mảng hàng không chung rất đa dạng, có thể máy bay cánh bằng, trực thăng, khinh khí cầu, tàu lượn, máy bay thực nghiệm, máy bay siêu nhẹ thể thao. trực thăng cứu hộ.

Ở Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp khai thác thị trường này, như Công ty Trực thăng miền Bắc, Hải Âu Aviation, Vietstar Airlines.

Tham gia vào lĩnh vực hàng không chung sôi động này, SunAir thể hiện  tham vọng lớn hơn khi bao quát đa dạng loại hình phương tiện phục vụ thương gia. Theo lộ trình, từ quý III/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thuỷ phi cơ.

Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường nói: “Việc ra mắt hãng hàng không Sun Air hoàn toàn nằm trong lộ trình phát triển bền vững của Sun Group. Sun Air sẽ không chỉ thêm một mảnh ghép mới trong bức tranh hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ chất lượng - đẳng cấp - khác biệt của Sun Group, mà còn góp phần khai mở sự phát triển của phân khúc hạng sang trong ngành hàng không chung Việt Nam - lĩnh vực đầy tiềm lực ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới”.   

Ảnh minh họa: Reuters 
Giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực lớn lên lạm phát
Giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước tăng chóng mặt, đang tạo áp lực rất lớn đến lạm phát của Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư