Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quốc hội chốt cơ chế đặc thù cho dự án giao thông đường bộ
Nguyễn Lê - 28/11/2023 17:22
 
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.
.
Đa số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết. .

Chiều 28/11, với 93,93% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Tại đây, Quốc hội chỉ đồng ý cho tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vượt quá 50% tổng mức đầu tư theo luật PPP hiện hành với 2 dự án.

Cụ thể là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, cho phép tỷ lệ vốn nhà nước không quá 80% và phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm được bố trí từ ngân sách địa phương.

Thứ 2 là dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) giai đoạn 1, Quốc hội cho phép tỷ lệ vốn nhà nước không quá 70% tổng mức đầu tư.

Trước đó, Chính phủ đề xuất cho thí điểm nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên tối đa 70% cho các dự án PPP. Tuy nhiên, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp giải thích, đối với các dự án đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng có thể không cao nhưng do lưu lượng xe thấp, nếu áp dụng tỷ lệ 70% thì sẽ không bảo đảm được phương án tài chính cho dự án.

Xét tính cấp thiết, quan trọng của dự án đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng, trong bối cảnh việc huy động vốn ngoài ngân sách tham gia các dự án PPP gặp nhiều khó khăn, đề xuất của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư để bảo đảm tính khả thi của các dự án này là có cơ sở.

Do vậy, tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện theo hướng cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án nói trên.

Về cơ quan chủ quan đầu tư dự án đường bộ, Nghị quyết quy định, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 7 dự án

Đối với 6 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án

Đối với 5 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.

Quốc hội cũng cho phép nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án tại Nghị quyết. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư